Theo dõi trên

Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn “từ trang trại đến bàn ăn”: Bước đệm cho chuỗi nông sản an toàn

26/10/2020, 08:42

BT- An toàn thực phẩm (ATTP) luôn là câu chuyện được quan tâm hàng đầu trong bối cảnh thực phẩm bẩn vẫn còn. Do vậy, việc chủ động thực hiện sản xuất chuỗi và hợp tác tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn, Bình Thuận đang định vị để có những bước đi dài hơi và bền vững hơn trong tương lai. Báo Bình Bình Thuận có cuộc phỏng vấn bà Ngô Minh Uyên Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng (QLCL) nông lâm và thủy sản xung quanh vấn đề này.

Thưa bà, vì sao việc xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn tại tỉnh lại mang tính cấp thiết?

Bà Ngô Minh Uyên Thảo:Đầu tiên phải khẳng định việc kiểm soát chất lượng ATTP theo chuỗi phù hợp với Luật An toàn thực phẩm và đó là xu thế của thế giới hiện nay, nhất là các hệ thống phân phối bán lẻ của các tập đoàn lớn trên thế giới yêu cầu thực phẩm phải kiểm soát theo chuỗi. Đối với Bình Thuận, thực trạng sản xuất nông lâm thủy sản của tỉnh chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán, sức cạnh tranh thấp và nhiều rủi ro. Thực hiện chuỗi là thực hiện liên kết, tạo nên quy mô sản xuất lớn, có khả năng cạnh tranh cao. Đồng thời, người dân được bao tiêu sản phẩm, hạn chế rủi ro được mùa mất giá, doanh nghiệp kiểm soát và ổn định được nguồn nguyên liệu đầu vào, thuận lợi trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Sản xuất theo chuỗi kiểm soát chất lượng ATTP từ khâu ban đầu đến khâu cuối cùng nên chất lượng sản phẩm được bảo đảm, đồng thời kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng.

Chế biến hải sản Công ty TNHH Đầm Sen

Bà đánh giá như thế nào kết quả đạt được Chương trình quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản giai đoạn 2015 – 2020? Nhiệm vụ tập trung thời gian tới?

Bà Ngô Minh Uyên Thảo:Thực hiện Quyết định số 3297 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Chương trình quản lý chất lượng ATTP nông sản, thủy sản trọng điểm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Trong giai đoạn 2015-2020, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản được ngành nông nghiệp triển khai thực hiện tương đối đầy đủ các nhiệm vụ đề ra; các  ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm và có sự chuyển biến rõ nét. Nhận thức về ATTP trong chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt và thu mua… đều được nâng cao từ cộng đồng dân cư đến cơ quan quản lý nhà nước. Các tác nhân tham gia chuỗi được gắn kết. Hoạt động sản xuất thực phẩm sạch áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến tiếp tục được thúc đẩy và phát triển mạnh. Cụ thể, về sản xuất toàn tỉnh có trên 10.200 ha chứng nhận VietGAP, GlobalGAP các loại nông sản thanh long, lúa, gạo, rau, quả và nuôi tôm; có 59 cơ sở sơ chế, chế biến được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO 22000…. Các chuỗi sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm hình thành ngày càng nhiều, đến nay đã xây dựng và kết nối thành công 80 chuỗi với sản lượng sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn được kiểm soát với khoảng 188.000 tấn/năm vượt xa so kế hoạch (12 chuỗi).

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu về ATTP, nhất là hoạt động sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn diễn ra. Công tác bảo đảm ATTP vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do sản xuất nhỏ lẻ đưa đến nhiều nguy cơ mất ATTP; ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao; thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản vẫn còn. Sản lượng, quy mô liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, nhất là sản phẩm rau, thịt còn hạn chế…Do vậy công tác quản lý chất lượng, ATTP cần được quan tâm tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa.

Trong thời gian tới, chúng tôi tập trung các giải pháp căn cơ, hợp lý để khắc phục những chỉ tiêu đạt thấp, chưa đạt yêu cầu. Chi cục đang hoàn tất các bước tham mưu sở trình UBND tỉnh ban hành Chương trình QLCL ATTP nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 – 2025. Định hướng trong thời gian tới là bảo đảm ATTP nông sản, thủy sản cần được thực hiện toàn diện, xuyên suốt theo chuỗi cung cấp thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” trên cơ sở từng bước áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO 22000, VietGAP…) trong sản xuất kinh doanh thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát có trọng tâm, trọng điểm nhằm bảo đảm chất lượng, ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Để sản phẩm được chứng nhận tham gia chuỗi sản phẩm an toàn bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng đòi hỏi những gì thưa bà? Giải pháp nào để có hướng đi bền vững cho chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn?

Bà Ngô Minh Uyên Thảo: Sản phẩm an toàn là sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi từ công đoạn sản xuất ban đầu cho đến công đoạn cuối cùng; mỗi công đoạn sản xuất phải tuân thủ quy định về điều kiện sản xuất bảo đảm ATTP và được liên kết với nhau thông qua hợp đồng trách nhiệm cùng chia sẻ rủi ro và lợi ích. Và để được chứng nhận sản phẩm an toàn thì sản phẩm phải có kết quả kiểm nghiệm đạt các chỉ tiêu về ATTP theo quy định.

Để việc xây dựng chuỗi bền vững cần có sự đồng hành của Nhà nước, nông dân, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng: Nhà nước cần có chủ trương, chính sách phù hợp để kêu gọi, khuyến khích khi tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo đảm ATTP, đồng thời hợp tác tin tưởng lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ rủi ro và lợi ích; người tiêu dùng hãy tin tưởng và lựa chọn các sản phẩm tham gia chuỗi.

Xin cảm ơn bà!

Thanh Duyên(thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn “từ trang trại đến bàn ăn”: Bước đệm cho chuỗi nông sản an toàn