Theo dõi trên

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP

22/11/2022, 05:30

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ: “Phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.

Thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

ocop-1-.jpg
Sản phẩm OCOP Bình Thuận tham gia xúc tiến thương mại. Ảnh: K. Hằng

Phát huy các sản phẩm truyền thống, có lợi thế

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ xây dựng giải pháp công nghệ thông tin tổng thể giúp số hóa quy trình tham gia, đánh giá và quản lý sản phẩm OCOP. Trong đó, Chương trình OCOP được triển khai nhằm thực hiện việc phát triển hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn. Theo đó tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 1 phần mềm số hóa toàn bộ công tác triển khai và quản lý Chương trình OCOP tỉnh Bình Thuận, thuê dịch vụ hạ tầng máy chủ và tên miền, tạo lập cơ sở dữ liệu… Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước, sẽ xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, thuận lợi cho công tác quản lý, theo dõi quy trình đánh giá hồ sơ sản phẩm, kịp thời đưa ra những hoạch định về chính sách phù hợp, tăng niềm tin của chủ thể và người tiêu dùng vào các kết quả chứng nhận OCOP. Tạo ra kênh thông tin, quản lý chung cho cộng đồng OCOP, hoàn thành mục tiêu 100% chủ thể đã tham gia Chương trình OCOP được kết nối vào hệ thống. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã mới tham gia Chương trình OCOP. Cung cấp công cụ để chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành có liên quan và cộng đồng OCOP. Đồng thời đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm khi được đánh giá đạt chứng nhận OCOP sẽ có những lợi thế trên thị trường tiêu dùng nông sản so với các sản phẩm khác. Qua đó giúp cho việc xử lý thông tin được nhanh chóng và chính xác, tạo sự chuyên nghiệp và chuẩn hóa thông tin. Tạo sự minh bạch trong quy trình đánh giá, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu Chương trình OCOP với tính đồng bộ cao, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

ocop-2-.jpg
Gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Phan Thiết. Ảnh: K. Hằng

Phát triển OCOP dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa và tập quán

Mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu công nhận mới ít nhất từ 80 - 130 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 3 - 5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia. Hàng năm củng cố và nâng hạng từ 10 - 15 sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng và củng cố ít nhất 30% tổ chức kinh tế sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP gắn với chuỗi giá trị và xây dựng 3 dịch vụ du lịch cộng đồng. Xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP Bình Thuận. Phấn đấu có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, phấn đấu đến năm 2025 phát triển 4 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch, giao thương trọng điểm của tỉnh. Từng bước thực hiện chuyển đổi số trong chu trình OCOP và tiến đến giám sát và quản lý sản phẩm OCOP bằng các công cụ chuyển đổi số.

Để đạt được mục tiêu đó cần phải ưu tiên đầu tư hợp lý cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường. Tăng cường liên kết bền vững, khả năng truy xuất nguồn gốc giữa chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP với vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương. Phát triển sản phẩm OCOP theo các nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP. Sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng và an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo vùng, miền và dân tộc. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp vùng, địa phương…        

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hầu hết tàu cá ở La Gi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
Sau thời gian việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu (VMS) được các xã, phường, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, thì đến nay tỷ lệ lắp đặt đạt khá cao.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP