Theo dõi trên

Chuyện làm ăn: Vay vốn khó khăn

22/11/2022, 05:16

Đang vào mùa sản xuất hàng hóa cho dịp Noel, Tết Dương lịch 2023 và nhất là cao điểm là Tết Nguyên đán nhưng hầu như hàng loạt chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều không đáp ứng được nguồn vay mới cho khách hàng…

Anh Nguyễn Hợp ở phường Đức Thắng (TP. Phan Thiết) gần cả tháng nay gửi hồ sơ đến ít nhất 5 chi nhánh ngân hàng để vay vốn đầu tư nhưng các chi nhánh đều không tiếp nhận. Nguyên nhân là do hết “room” tín dụng. Anh Hợp than trời vì đã ký hợp đồng với đối tác để xây mới cũng như sửa chữa các điểm du lịch chuẩn bị cho cao điểm 3 đợt lễ, tết quan trọng là Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Anh kể: Tôi có tài sản thế chấp có khả năng vay vốn theo các tiêu chí của ngân hàng. Tuy nhiên các ngân hàng hầu như hết hạn mức cho vay nên hẹn sang năm mới giải quyết. Những hợp đồng đã ký cần nguồn vốn lớn để đầu tư nếu không vay vốn được ngân hàng phải vay nóng bên ngoài lãi cao làm sẽ không còn lãi. Đất đai tôi có nhưng bán vào thời điểm này không có người mua, mặc dù chấp nhận bán giá thấp hơn thị trường nhưng rao bán nhiều lần không có người hỏi mua… Tương tự như anh Hợp, chị Phan Thị Lý ở Hàm Thuận Nam đi vay một số ngân hàng để chuẩn bị nhập hàng cho lễ, tết cuối năm nhưng các ngân hàng đều từ chối vì hết hạn mức cho vay. Một giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần cho hay: Ngân hàng còn dư tiền nhưng “room” tín dụng hết nên chỉ ưu tiên cho những khách hàng cũ vay thêm, còn khách hàng mới thì… "bó tay”. Để nắm bắt thêm tình hình vay vốn khó khăn mà doanh nghiệp, hộ dân phản ánh, phóng viên đã liên lạc với một số ngân hàng và hầu như đa phần các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Bình Thuận đều rơi vào hoàn cảnh như khách hàng phản ánh. Đó là tình trạng hết “room” tín dụng. Một số doanh nghiệp còn rơi vào cảnh đến thời hạn tất toán khoản vay đã vay nóng bên ngoài để trả nợ cho ngân hàng với hy vọng sẽ được vay khoản mới cao hơn. Tuy nhiên, khi trả xong nợ thì bị từ chối cho vay lại vì thiếu nguồn nên khó càng khó hơn… Một cán bộ ngân hàng cho hay có một số chi nhánh hết “room” từ cuối tháng 3 nhưng đến nay vẫn chưa được nới “room” nên phải tự xoay xở với khách hàng cũ. Cũng do hết “room” nên có những khách hàng rất tốt với những năm trước nguồn vốn dồi dào ngân hàng phải đi mời chào khách hàng vay vốn nhưng năm nay đành “bấm bụng” loại ra vì hạn mức có hạn… Gần đây, một số ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng “room” tín dụng, dựa vào những chỉ số hoạt động tốt của từng ngân hàng. Tuy vậy, nguồn “room” có giới hạn nên dẫn đến nguồn vốn cung không đủ cầu.

Mới đây, trong hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận tổ chức về vấn đề vay gói có hỗ trợ lãi suất (HTLS) 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ để giúp phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc những quy định trong Nghị định 31 đang làm khó nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) như chứng minh doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, không bị nợ xấu, có tài sản để thế chấp... là rào cản lớn cho khách hàng vay vốn. Tuy nhiên vấn đề mà doanh nghiệp, hộ SXKD quan tâm chưa phải là được vay vốn với lãi suất ưu đãi mà vấn đề thực chất là được vay vốn để đầu tư sản xuất bởi nguồn vốn vay đang khan hiếm. Nhiều doanh nghiệp nêu thực trạng trong thời điểm hiện tại được có nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng sản xuất hoặc phục hồi sản xuất để giữ thị phần với thị trường là vấn đề quan trọng hơn chờ đợi vay vốn với lãi suất ưu đãi. Nghị định 31 ra đời là chủ trương tạo động lực, hỗ trợ tối ưu cho doanh nghiệp, hộ SXKD có thêm điều kiện để phục hồi SXKD. Tuy nhiên bên cạnh chủ trương lớn cần có những tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ SXKD như thực trạng nguồn vốn vay đang thiếu như hiện nay…

TRẦN THI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Thiết thực trên từng lĩnh vực
Thời gian qua tại Bình Thuận, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới tiếp tục được triển khai rộng khắp với nhiều hoạt động thiết thực trên từng lĩnh vực…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện làm ăn: Vay vốn khó khăn