Đối với giáo dục mầm non, ngành giáo dục tỉnh đã triển khai chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ ở các trường mẫu giáo (MG), mầm non (MN) ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Tính đến tháng 8/2021, toàn tỉnh có 38/142 trường MN, MG công lập (đạt 26,76%) và 13/42 trường MN ngoài công lập cho trẻ làm quen tiếng Anh (đạt 31,70%). Còn với giáo dục phổ thông, cấp TH đến nay đã có 255/264 trường TH, trường TH&THCS có lớp tiểu học dạy tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 5 có 3.488 lớp với 97.614/118.719 học sinh, đạt tỷ lệ 82,2%. Trong đó, tỷ lệ học sinh khối lớp 3 đến lớp 5 đạt 92,6% được học chương trình tiếng Anh đảm bảo yêu cầu tối thiểu của đề án (4 tiết/tuần). Cấp THCS có 112/130 trường triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm (từ lớp 7 - 9), đối với lớp 6 hiện đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Còn cấp THPT có 28/28 trường thực hiện chương trình tiếng Anh 10 năm. Cùng với đó, ngành giáo dục tỉnh đã triển khai chương trình làm quen tiếng Anh cho lớp 1 và lớp 2. Đồng thời, tiếp tục tổ chức dạy học môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2 theo chương trình giáo dục mới.
Bên cạnh đó, hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên ngoại ngữ các cấp học phổ thông được quan tâm thực hiện hàng năm. Công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế được chú trọng. Thông qua xây dựng ngân hàng câu hỏi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ. Xây dựng cấu trúc đề kiểm tra, đánh giá ở cấp học THCS và THPT bao gồm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và ngôn ngữ nhằm hướng đến mục tiêu tiếp cận chuẩn đánh giá khung 6 bậc năng lực ngoại ngữ của Việt Nam và quốc tế. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã làm việc với Hội đồng Khảo thí Cambridge, IDP Việt Nam về việc hợp tác tổ chức các bài thi quốc tế cho học sinh tỉnh Bình Thuận. Cùng với đó, phối hợp với VNPT, Viettel, các công ty, nhà xuất bản tổ chức tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác tài nguyên trực tuyến trong dạy và học ngoại ngữ; cách gửi bài lên trên hệ thống và tổ chức dạy học trực tuyến.
Các mô hình tự học, tự nâng cao trình độ ngoại ngữ hay các phong trào học và sử dụng ngoại ngữ… ngày càng phát triển và nhân rộng. Ngoài các tiết học chính khóa, các đơn vị trường học tổ chức các buổi sinh hoạt liên quan đến việc sử dụng tiếng Anh dưới hình thức câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ưu tiên việc tạo điều kiện thuận lợi và sẵn sàng đón tiếp các chuyên gia, giảng viên có trình độ cao ở nước ngoài tư vấn, hỗ trợ, giảng dạy cho giáo viên và học sinh. Đồng thời, cử cán bộ quản lý, giáo viên tiếng Anh tham dự các khóa bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo. Không chỉ vậy, công tác xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ được thực hiện tốt. Trong đó, chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ em mầm non đa số nhà trường và phụ huynh tự thỏa thuận kinh phí phù hợp, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện không ép buộc. Chương trình dạy học tiếng Anh thí điểm lớp 1, 2 cấp tiểu học cũng được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của địa phương để có kế hoạch tổ chức giảng dạy…
Có thể thấy, việc triển khai kế hoạch dạy và học ngoại ngữ theo đề án đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ban ngành và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh ở các bậc, cấp học trong tỉnh. Kết quả, điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh toàn tỉnh luôn thuộc top 20 cả nước trong 5 năm gần đây. Riêng năm 2019, điểm trung bình tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh của Bình Thuận xếp vị thứ 8/63 tỉnh, thành. Ngoài ra, có nhiều học sinh đã đạt được giải cao môn tiếng Anh trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia trong những năm qua... Những kết quả đó minh chứng rằng, chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại các bậc học trong tỉnh đang chuyển biến tích cực, từ đó tạo động lực để toàn xã hội hưởng ứng phong trào dạy và học tiếng Anh.