Theo dõi trên

Chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại để nâng cao hiệu quả kinh doanh

09/04/2024, 05:09

Trước bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng tiêu dùng của người dân ngày càng thay đổi, thì việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ được xem là hình thức kinh doanh mang lại hiệu quả cao. Tại Bình Thuận, hàm lượng chuyển đổi số trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ ngày được nâng cao trong những năm qua. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, thì quá trình chuyển đổi số này là “chuyện không của riêng ai”…

Số hóa kinh doanh, buôn bán

Theo đánh giá của Sở Công Thương, hoạt động thương mại điện tử, mua bán trực tuyến trên địa bàn tỉnh có nhiều bước phát triển, đem lại những giá trị, lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu thông qua thương mại điện tử. Các nền tảng phục vụ cho thương mại điện tử được khai thác hiệu quả, giúp các doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối mới trong thời đại công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tiết giảm chi phí so với phương thức kinh doanh truyền thống, có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới.

z5323631554000_88a67f5a0894e5b2f4e57e44c9d5bcc9.jpg

Ghi nhận trên địa bàn tỉnh, hiện nay có rất nhiều trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện ích đã áp dụng chuyển đổi số để hoạt động kinh doanh, buôn bán. Đó là sự chuyển đổi trong cách thức vận hành, bán hàng từ phương tiện truyền thống sang môi trường công nghệ số. Trong đó, từ khâu quản lý, bán hàng, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng đều ứng dụng công nghệ…

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Phan Thiết: Trong thời gian qua hệ thống siêu thị này đã đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi số một cách sâu rộng. “Người tiêu dùng đến siêu thị mua hàng không cần phải mang theo tiền mặt mà thay vào đó sẽ được thanh toán bằng ví điện tử cũng như là chuyển khoản… Cách làm này rất tiện lợi cho khách hàng”, bà Loan nói.

Bà Loan cũng cho biết, siêu thị cũng áp dụng các chương trình mua hàng, đặt hàng trên online, bằng web hoặc là app… Từ đó người dân không cần phải đến siêu thị để mua sắm. Ở nhà hoặc ở bất cứ nơi đâu người tiêu dùng cũng có thể mua hàng được. Khi mua hàng đặt trên online thì cũng được giao hàng tận nhà và nhận được hết tất cả những hàng hóa mà mình đã đặt. Nhờ việc đẩy mạnh bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số, siêu thị luôn mở rộng được đối tượng khách hàng. Nguồn hàng hóa cung cấp bổ sung thường xuyên, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Là một trong những khách hàng thường xuyên mua sắm tại hệ thống siêu thị Co.opmart, chị Nguyễn Hải Lý (phường Thanh Hải, TP. Phan Thiết) cho biết: Công việc của chị rất áp lực và bận rộn, lại thêm phần con nhỏ nên thời gian đi mua sắm hàng hóa không có nhiều. Hơn 1 năm trở lại đây, chị đã lựa chọn hình thức đặt hàng trực tuyến và được nhân viên siêu thị chuyển tới tận nhà. Bên cạnh đó, khi thanh toán qua ứng dụng qua phần mềm còn giúp tôi tích điểm để trừ vào tổng tiền mua sắm sản phẩm trong lần mua sắm tiếp theo. “Rất thuận tiện và phù hợp với những người có công việc bận rộn như tôi”, chị Lý chia sẻ.

Hiện nay, không chỉ các siêu thị, trung tâm thương mại lớn mà ngay những cửa hàng nhỏ, những cơ sở bán lẻ truyền thống trên địa bàn tỉnh cũng đã từng bước ứng dụng thương mại điện tử và nền tảng số để đa dạng hóa hoạt động bán hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ cửa hàng bán đồ cho mẹ và bé (xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc) cho hay: Nếu như trước đây, khách hàng của chị chủ yếu đến trực tiếp cửa hàng để chọn lựa và mua sắm thì giờ đây chị lập thêm kênh bán hàng trên nền tảng facebook, zalo... Đặc biệt là mỗi khi có chương trình khuyến mãi, chị đưa sản phẩm của mình lên để giới thiệu và tư vấn cho khách. Lượng khách hàng đặt mua trực tuyến và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản đã tăng lên nhanh chóng. Nhờ vậy, lượng người đặt mua hàng nhiều, doanh thu tốt hơn so với bán truyền thống trước đây.

z5323631566642_85392f5a174d94ed1d91381bee1dc63b.jpg

Trợ lực từ ngành công thương

Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025, ngành công thương Bình Thuận thực hiện 3 đề án được Bộ Công Thương phê duyệt thuộc chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia. Trong đó, ngành công thương đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án Sàn thương mại điện tử hỗ trợ kết nối giao thương 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng (địa chỉ www.sanphamdiaphuong.com.vn). Với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện Đề án, tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ kết nối các sản phẩm doanh nghiệp 3 tỉnh. Đến nay, đã có 54 cơ sở và 152 sản phẩm của doanh nghiệp 3 tỉnh được cập nhật lên sàn thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của doanh nghiệp, cơ sở mình; kết nối cung cầu trao đổi, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng 3 tỉnh; mở rộng quảng bá, giao lưu, học hỏi từ các sản phẩm vùng miền của cả nước trên sàn thương mại điện tử 3 tỉnh. Riêng đối với đề án giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận, đã hỗ trợ 12 cơ sở có sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tạo mã truy xuất nguồn gốc (QR Code) cho các sản phẩm của mình”, đã có 45 sản phẩm của các cơ sở được tạo mã QR Code. Thông qua việc quét mã QR Code được in trên nhãn, người tiêu dùng sẽ truy xuất được thông tin của sản phẩm (về quy trình, nguồn gốc nguyên liệu, giá thành…). Từ đó, góp phần minh bạch sản phẩm; đồng thời bảo vệ thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

z5323631558630_424cea8561cd1be80caa511e2cc0b08e.jpg

Theo Sở Công Thương, đơn vị này đã thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển thương mại điện tử, xây dựng website bán hàng, có khoảng 152 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã thực hiện đăng ký/thông báo với Bộ Công Thương theo quy định; đã hỗ trợ cho 7 doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận tham gia đối thoại, kết nối trực tiếp với sàn thương mại điện tử Shoppe, Lazada, Tiki, Sendo tại Hội nghị kết nối cung cầu thành phố Hồ Chí Minh năm 2022; kết nối 32 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với sàn thương mại điện tử Tiki tại tỉnh Bình Thuận năm 2023.

Lãnh đạo ngành công thương cho biết, thời gian đến sẽ tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử lớn như Shoppe, Lazada, Sendo, Tiki, Postmart, Voso... Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức hội nghị kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh với các sàn thương mại điện tử lớn như Shoppe, Lazada, Sendo, Tiki, Postmart, Voso... tại tỉnh Bình Thuận để thúc đẩy hơn nữa các sản phẩm địa phương tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các doanh nghiệp lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chuyển đổi số trong giáo dục: Cơ hội và thách thức
Thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh đã chú trọng ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản lý, dạy và học, góp phần cải thiện những phương pháp giảng dạy cũng như tạo môi trường học tập thuận tiện nhất. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại để nâng cao hiệu quả kinh doanh