Theo dõi trên

Chuyện khai thác du lịch ở La Gi

08/09/2023, 05:35

Cách đây trên 60 năm khi mới thành lập tỉnh Bình Tuy dưới thời VNCH (1956), qua các tài liệu cũ, chỉ riêng ở địa bàn thị xã La Gi đã ghi nhận một số địa danh “danh lam thắng cảnh” trên bản đồ lãnh thổ địa phương.

Trong đó với những trang viết mô tả có vẻ “nồng hậu” coi đây là những di sản, báu vật của thiên nhiên ban tặng. Đó là Đập Đá Dựng, Đồi Dương, Hòn Bà, Ngảnh Tam Tân… Những địa danh này hoàn toàn dựa trên lợi thế thiên nhiên với màu xanh cây rừng, sông suối, biển xanh. Sau này có thêm bãi Cam Bình, Dốc Trâu và di tích văn hóa dinh Thầy Thím, lăng vạn…

dsc_5354.jpg
Lễ hội văn hóa dinh Thầy Thím tại Khu di tích văn hóa dinh Thầy Thím, xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Ảnh: Đ.Hòa

Một Đồi Dương, cây phi lao được trồng từ những năm 1930, dọc dài theo 7 cây số bờ biển hình cánh cung trên những đồi cát chập chùng từ ngảnh Tam Tân đến Tân Long. Hòn Bà được coi là đảo ngọc “Động Tiên Sa”, có miếu thờ nữ thần Thiên y A na với cảnh quan tuyệt đẹp chỉ cách bờ 2 cây số thôi nhưng số phận lẻ loi. Thế mà những logo cổ động cho “Năm du lịch quốc gia, sự kiện Hội tụ xanh vẫn sừng sững hình ảnh Hòn Bà, lại không phải là nơi để du khách đến tham quan, cúng bái vì chịu cấm chỉ từ hai chục năm nay… Một ngảnh Tam Tân, với bờ biển in dấu chân một thời huyền thoại, sát bãi tắm có cụm đá mồ côi với sớm chiều đàn hải âu về đây phơi cánh.

Chỉ tiếc một đập Đá Dựng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và công trình nhân tạo đã xây dựng từ năm 1958, ngay trung tâm tỉnh lỵ Bình Tuy và cũng là giữa đô thị La Gi ngày nay. Hai đầu con đập dài gần 120m ở bờ hữu, tả ngạn của dòng sông Dinh trước đó mỗi bên rộng gần 2 ha, là công viên cây xanh với giống cây như hoa anh đào và nhiều bồn kiểng, giàn hoa giây leo… tồn tại cho đến ngày giải phóng 23/4/1975. Những năm đầu chính quyền phải lo nhiều việc lớn đã đành nhưng sau đó bị bỏ hoang và tệ hại hơn những phần đất này biến thành đất có chủ, cây xanh bị triệt hạ, sổ đỏ thuộc hộ dân tự bao giờ. Dân kiến nghị, báo chí phản ánh, các kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện, rồi thị xã lao xao đặt vấn đề… Cuối cùng thúc thủ, dần dà đi vào lãng quên.

Có thể coi La Gi là một nơi có nhiều cơ hội phát triển du lịch biển sớm nhất, chỉ sau Mũi Né mà thôi. Bên cạnh là bờ biển huyện Hàm Thuận Nam với Kê Gà, Thuận Quý, Hòn Lan bấy giờ chỉ là vùng biển còn hoang sơ, hẻo lánh. Trong khi đó, từ năm 2002, huyện Hàm Tân (cũ) đã có 58 dự án du lịch và 3 khu du lịch cộng đồng Ngảnh Tam Tân, Đồi Dương- Hòn Bà, biển Cam Bình dọc theo 49 km bờ biển. Cho đến khi thành lập thị xã La Gi 2005, tại hội nghị các nhà đầu tư, xác định lại còn 31 dự án trải dài trên 28 km bờ biển được tỉnh chấp thuận đầu tư. Có lẽ đây là cơ hội “trải thảm” mời gọi cho nhiều cá nhân vội vàng thành lập công ty, nhảy vào cũng có vài mẫu đất. Doanh nghiệp thật sự có năng lực tài chính, chuyên nghiệp không nhiều và dẫn đến tình trạng giữ đất để sang bán trở thành vấn nạn đến bây giờ. Thêm nữa, việc quản lý đất đai ở cơ sở xã buông lỏng, khi tỉnh chấp thuận đầu tư và giao đất thì vướng mắc đất bị tranh chấp với dân, đơn thư khiếu nại. Rõ nhất là gần chục dự án ở khu du lịch Cam Bình (xã Tân Phước) là nguyên nhân do việc tranh chấp kéo dài và cũng là lý do cho doanh nghiệp không có năng lực triển khai xây dựng, chờ sang bán đất vin vào đó để nhùng nhằng. Hàng năm, từng có đoàn kiểm tra của tỉnh, rồi cho gia hạn, nhưng dường như chỉ “giơ cao đánh khẽ”, trở thành quen thuộc, đâu vào đó… Nói về nguyên nhân trì trệ, dự án nào cũng sẵn lý lẽ nguyên nhân gọi là chính đáng, quan trọng ở ngành liên quan có nhận ra hay không! Cho nên vì sao đất giao cho nhiều dự án du lịch biển ở La Gi vẫn chưa động tĩnh, thậm chí dân mặc tình tràn vào trồng cây, rào chắn, chạy vạy xin cấp sổ. Không những trên đất tranh chấp chờ giải quyết mà cả con đường quy hoạch xuống biển rộng 50 mét ngang nhiên dựng quán nhậu, xây nhà trọ như ở Tân Phước. Kể cả khu du lịch cộng đồng Cam Bình dù có Ban quản lý du lịch tại chỗ vẫn chấp nhận bãi tắm thành chợ cá, hàng quán che chắn lộn xộn, mất đi mục đích thật sự của một bãi biển cộng đồng.

52hz-bien-cam-binh-lagi.jpg
Biển Cam Bình.

Nói đến dự án quy mô lớn Khu du lịch Sài Gòn - Hàm Tân với diện tích 255 ha, có giấy phép đầu tư từ năm 2004 - 2008. Liền kề cùng dự án này là dự án Biển xanh Bình Tân (Công ty Việt Thuận) trên 11 ha và tiếp đó là các dự án mang tên Song Thành, Thái Thành, Trung Hiếu, KT. Thành Đoàn, An Việt đến Dốc Trâu (Tân Tiến) đã chia nhau chiều dài gần 5 km bờ biển “đắc địa” nhất. Đây là khu rừng dương được trồng cây phi lao từ năm đầu thập kỷ 30 của thế kỷ trước dưới thời Pháp thuộc nhằm ngăn biển xâm thực vùng ruộng và dân cư làng Tân Lý, Bàu Dòi. Địa danh xưa là Sở Dương 1, Sở Dương 2 có Trạm kiểm lâm canh giữ. Từ khi có các dự án này cùng với việc tận dụng khai khác khoáng sản titan, nay để lại mặt đất tan hoang. Riêng 2 dự án lớn Sài Gòn - Hàm Tân và Bình Tân đã xây dựng thưa thớt vài công trình hotel, bungalow… chỉ mới phần xây thô, nham nhở và bỏ hoang. Như báo Bình Thuận, chỉ đích danh dự án lớn nhất ở La Gi là Sài Gòn Hàm Tân đã giật tít “Đất vàng dự án du lịch 10 năm bỏ hoang” (26/10/2018) và tiếp đó là bài “Vì sao một dự án du lịch kéo dài hơn 16 năm?” (BT. 10/2/2020). Dù lý do nào không biết để tỉnh không phải thu hồi, nhưng tiếc cho với một đồi dương xanh, dày đặc thân cây cổ thụ gần 90 năm, nay đã bị xóa sổ. Bên cạnh đó còn một Khu du lịch cộng đồng (Đồi Dương) gần hai chục năm mà chưa tìm ra chủ đầu tư, mới lạ. Ở đây chỉ khoảng 10 hộ dân tự phát xây dựng hàng quán, phòng trọ trên phần đất này với tình trạng thấp thỏm, nên cảnh quan nhếch nhác. Vậy mà trở thành bãi biển “lý tưởng” cho khách xa đổ về đô thị du lịch La Gi.

Động thái mới về biện pháp tháo gỡ sự tồn đọng các dự án “bất động” mới đây đối với tình hình chung trong tỉnh, qua báo chí, trong đó có tên những dự án du lịch ở La Gi như Whal Hill, Eden, Thu Hằng, Làng Tre LG, Song Thành, Mũi Đá, Việt Chăm, Mũi Đá và dự án lớn Sài Gòn - Hàm Tân… Nhưng thực tế không phải chừng đó, các dự án Đại Dương (APEX), Tân Bình (Việt Thuận), Mỏm Đá Chim Mở rộng, Ba Miền, Bình Tuy… thì sao?

Theo tin từ các báo, trong hội nghị ngày 20/6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát lại tất cả các dự án ven biển. Phải quyết liệt với các dự án chậm triển khai mà không có nguyên do chính đáng thì tỉnh sẽ thu hồi. Đó là biện pháp cần thiết để khai thông những tồn tại cố hữu trong yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh, mà đặc biệt với La Gi là địa bàn nhiều cơ hội cho diện mạo du lịch biển phía nam của tỉnh.

Hệ thống đường sá La Gi kết nối với cao tốc bắc - nam, với địa bàn du lịch nam Phan Thiết, Tiến Thành, Thuận Quý, Kê Gà. Đường quốc lộ 55 từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đường du lịch biển Long Hải, Hồ Tràm sát nách với La Gi… Cơ hội mới cho La Gi về phát triển du lịch biển với bao thuận lợi đang mở ra. Chắc chắn với với sự chỉ đạo có tính quyết đoán của tỉnh sẽ vực dậy tình trạng im ắng các dự án du lịch ở La Gi nhiều năm nay.

PHAN CHÍNH


(6) Bình luận
Bài liên quan
Tháp Pô Sah Inư: Thu hút du khách đến
Ban Quản lý di tích Tháp Pô Sah Inư thông tin, trong 2 ngày đầu của kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh (1 - 2/9), đã có hơn 3.300 lượt khách đến tham quan, thưởng lãm các hoạt động văn hóa nghệ thuật, biểu diễn nghề truyền thống, triển lãm di sản văn hóa Bình Thuận kết nối vùng miền và chọn mua những món quà lưu niệm độc đáo.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện khai thác du lịch ở La Gi