Theo dõi trên

Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở: Phải phù hợp quy hoạch

29/11/2022, 05:35

Thực trạng xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng đất đã diễn ra từ nhiều năm về trước ở một số khu vực nông thôn, miền núi tỉnh ta. Đây là điểm vướng khi những người dân trong diện này xin được hợp thức hóa “đất ở”.

Áp dụng linh hoạt Nghị định số 91/2019 của Chính phủ

Một người dân ở xã Măng Tố, huyện Tánh Linh chia sẻ: “Con cái lớn lên dựng vợ gả chồng cho chúng miếng đất làm ăn sinh sống, xây nhà ở. Kẹt nỗi trước đây việc tách thửa cho con phải gắn với chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ). Khoản tiền chuyển mục đích SDĐ không nhỏ, không tách thửa được, tôi đành xây nhà cho con trên đất nông nghiệp để ở. Nay quy định thông thoáng hơn, tôi làm thủ tục tách thửa cho con, chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở thì cơ quan thẩm quyền yêu cầu phải khôi phục hiện trạng ban đầu mới giải quyết hồ sơ chuyển mục đích SDĐ (tháo dỡ nhà xây dựng trái phép)”. Khá nhiều trường hợp tương tự như vậy đã xảy ra ở các địa phương khác mà Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận khi tiếp xúc cử tri những lần trước đây. Cụ thể như ở các xã: La Ngâu, huyện Tánh Linh; Nam Chính, Đa Kai, huyện Đức Linh; Tân Hải, Tân Bình, thị xã La Gi; Mũi Né, TP. Phan Thiết; Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc; Tân Đức, huyện Hàm Tân; Hàm Kiệm, Hàm Cường, Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam… Ở đây người dân kiến nghị tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xem xét những trường hợp đã xây dựng nhà trên đất nông nghiệp nhiều năm trước, sinh sống ổn định lâu dài, giải quyết chuyển mục đích SDĐ không phải tháo dỡ nhà.

dsc05320.jpg
 Xây nhà trên đất nông nghiệp nhiều năm trước đây khi chuyển mục đích sử dụng đất phải phù hợp quy hoạch.

Thực tế, hiện tượng trên cho thấy tồn tại, hạn chế quản lý đất đai của chính quyền cấp xã để xảy ra nhiều vi phạm xây nhà trên đất nông nghiệp, SDĐ sai mục đích lâu nay, không phát hiện xử lý kịp thời. Đối với một bộ phận người dân trong “hoàn cảnh” này vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 6 Luật Đất đai năm 2013 là sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch SDĐ, đúng mục đích SDĐ.

fullsizerender-35-.jpg
 Lĩnh vực đất đai luôn bộ phận "một cửa" TP. Phan Thiết thường có nhiều người dân liên hệ làm thủ tục 

Trước thực trạng đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã trực tiếp làm việc UBND các huyện, thị xã, thành phố, hướng dẫn xử lý vi phạm trong thực hiện chuyển mục đích, tách thửa. Theo đó, khi xử lý hành vi tự ý chuyển mục đích SDĐ thuộc trường hợp phải xin phép theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, phải xử lý vi phạm hành chính, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, việc xử lý vi phạm phải rà soát từng trường hợp để áp vào các điều khoản quy định tại Điều 9, 10, 11, 12, 13 của Nghị định số 91 ngày 19/11/2019 của Chính phủ. Nghị định số 91 không buộc khôi phục tình trạng ban đầu cho tất cả các trường hợp (điểm a - biện pháp khắc phục hậu quả) mà buộc đăng ký đất đai (áp dụng điểm b - biện pháp khắc phục hậu quả). Chỉ những trường hợp không đủ điều kiện áp dụng điểm b, mới áp dụng điểm a. Trường hợp phải áp dụng điểm a, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, khôi phục tình trạng ban đầu. Mức độ khôi phục tình trạng ban đầu do UBND tỉnh quy định theo quy định tại khoản 3, Điều 5 của Nghị định 91. Hiện Sở Tài nguyên & Môi trường đang thực hiện quy trình tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định này.

Bổ sung Quyết định số 21/2021 của UBND tỉnh

Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 21 ngày 30/8/2021 về việc quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh theo đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các quy định sửa đổi, bổ sung theo quyết định trên cơ bản tháo gỡ, giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc tồn tại trước đây như đã bỏ quy định việc tách thửa gắn với chuyển mục đích SDĐ (thay thế Quyết định số 52 ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh). Cùng với đó, Khoản 2, Điều 15 Quyết định số 21 của UBND tỉnh đã có quy định: “Trường hợp các hành vi vi phạm hành chính về đất đai được xác định là hành vi vi phạm đang được thực hiện, cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Sau khi người sử dụng đất chấp hành đầy đủ các nội dung trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, diện tích vi phạm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch SDĐ, quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện các thủ tục tách thửa, chuyển mục đích SDĐ, chuyển quyền SDĐ theo quy định pháp luật và quyết định này”. Đây là hướng mở ra cho việc chuyển mục đích SDĐ nông nghiệp sang đất ở phải đảm bảo đúng quy hoạch tại các địa phương.

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hộ nhà dân hư hại do làm cao tốc cần giải quyết
Ông Trần Đăng Phước, ngụ tại thôn Phú Cường, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, trình bày: Cuối năm 2018 đến đầu năm 2019 gia đình tôi có xây căn nhà cấp 4 ở địa chỉ trên.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở: Phải phù hợp quy hoạch