Đúng 7 giờ sáng, 5 chiếc xe khách nối đuôi nhau, sau hơn 2 giờ vượt qua quãng đường gần 80 km, cả đoàn đã vào đến Sa Lôn. Những ánh mắt háo hức, những bước chân rảo nhanh, tiếng cười đùa vui vẻ đã dần lắng lại khi tất cả đã bước vào khu trung tâm của Khu di tích Sa Lôn.
Những đôi chân vốn quen với cát nóng và gió biển mặn mòi của vùng ven Tiến Thành, nay hăm hở bước trên những phiến đá, những bậc tam cấp dẫn lên những chòi canh gác, hầm trú ẩn, bếp Hoàng Cầm. Ánh mắt vốn quen với tầm nhìn xa trước biển nay lại tò mò ngước lên chiêm ngưỡng những ngọn cây xanh cao vượt tầm nhìn, tưởng chừng chạm đến những đám mây trắng trên bầu trời. Khu rừng nguyên sinh với hàng ngàn cây thân gỗ thẳng đứng, cao vút quả thật đã gây ấn tượng mạnh mẽ với các em học sinh lần đầu đến đây. Không khí trở nên trang nghiêm và lắng đọng khi tất cả cùng bước vào Khu nhà tưởng niệm và trưng bày các hiện vật, tranh ảnh, tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận từ năm 1954 đến năm 1975.
Theo chân anh phụ trách hướng dẫn, leo hàng trăm bậc tam cấp lên độ cao khoảng 500m so với mực nước biển là đến Khu di tích gốc, nơi có nhiều hạng mục đã được phục dựng. Ai nấy đều thấm mệt, nhưng khi thấy anh phụ trách dẫn đoàn với lưng áo ướt đẫm mồ hôi, anh say sưa thuyết minh về những hiện vật còn lưu giữ, những khó khăn gian khổ và cả hiểm nguy của các thế hệ cha anh, các bác lãnh đạo địa phương đã từng bám trụ thời gian dài để lãnh đạo cuộc chiến đấu chống Mỹ của quân dân địa phương tại nơi này. Không ai bảo ai, cả thầy lẫn trò, ai nấy đều lặng im lắng nghe, lòng bồi hồi xúc động xen lẫn cảm giác ngưỡng mộ và khâm phục tài năng, ý chí kiên cường không quản ngại gian khổ hy sinh của các thế hệ lãnh đạo tỉnh nhà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đóng góp một phần không nhỏ vào đại thắng mùa xuân lịch sử năm 1975.
Thầy Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong công tác giảng dạy nói chung, nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục lịch sử địa phương. Hy vọng sau chuyến đi đầy ý nghĩa này, không chỉ học sinh mà tất cả giáo viên, nhân viên của trường có thêm trải nghiệm thực tế, thêm hiểu biết về lịch sử địa phương. Và quan trọng nhất là qua đó sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy tình yêu quê hương, ý thức sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của bao thế hệ cha anh đi trước. Để thầy và trò cùng ra sức dạy và học, góp sức mình xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu đẹp.