Theo dõi trên

Cơ hội nào cho ngành dược liệu Bình Thuận phát triển?

22/02/2023, 05:22

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), tại Bình Thuận hiện nay, cây dược liệu chủ yếu được trồng tự phát (trừ cây bạc hà được Công ty TNHH Châu Giang Hưng Yên sản xuất quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu). Trong khi đó, thị trường đầu ra nhỏ lẻ, bấp bênh, thậm chí không có thị trường đầu ra. Giá trị kinh tế cây dược liệu trong trồng trọt không có lợi thế so sánh với các cây trồng khác nên không thu hút sự đầu tư của người dân.

Thị trường không ổn định

Theo số liệu thống kê mới đây của Chi cục Trồng trọt và BVTV, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 192 ha cây dược liệu. Bao gồm cây bạc hà lấy tinh dầu 54 ha, ngải cứu 3,5 ha, nghệ 48 ha, sả 92 ha.

Trong đó, cây bạc hà lấy tinh dầu được trồng chủ yếu ở huyện Bắc Bình (tại Công ty TNHH Châu Giang Hưng Yên với diện tích 32 ha). Ngoài ra, cây bạc hà còn được trồng tại huyện Hàm Thuận Nam với khoảng 21 ha và huyện Đức Linh khoảng 1 ha. Các loại cây dược liệu còn lại chủ yếu dùng cho nhu cầu thực phẩm như nghệ, sả...

bac-ha-bac-binh.jpg
Cây bạc hà trồng tại Bắc Bình.

Đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT cũng cho thấy, hiện nay chưa có nghiên cứu, điều tra toàn diện nào để xác định được chính xác sự phù hợp về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của các loài dược liệu. Hiện mới chỉ thông qua khảo sát ngoài thực địa của các tổ chức, cá nhân. Trong khi đó, thực tế vốn đầu tư ban đầu để trồng và chăm sóc một số loại cây dược liệu khá cao so với các loại cây trồng khác, nhất là nguồn giống. Điều mấu chốt vẫn là thị trường tiêu thụ không ổn định, chủ yếu bán thô cho các thương lái chứ chưa có cơ sở chế biến ra sản phẩm cuối cùng cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn hiện nay, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết số 05 – NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, đó là khuyến khích phát triển cây dược liệu, phấn đấu đưa cây dược liệu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Bình Thuận. Triển khai nội dung này, Sở Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Khi hoàn thiện, sẽ có giải pháp cụ thể hơn để phát triển cây dược liệu nói chung và cây dược liệu dưới tán rừng nói riêng, đảm bảo khả thi và có hiệu quả.

Tìm kiếm cơ hội

Về phía ngành chuyên môn, ông Đỗ Văn Bảo – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đề xuất, để phát triển được ngành dược liệu của tỉnh, cần hình thành được ngành hàng hóa dược liệu. Phát triển cây dược liệu phải giải quyết triệt để, vững chắc vấn đề thu mua, chế biến, tiêu thụ nguyên liệu. Bên cạnh, công tác lập quy hoạch cần phải xác định được loại cây dược liệu chính để quy hoạch phát triển. Phải xây dựng được chuỗi sản xuất, tiêu thụ, chế biến cây dược liệu bền vững, áp dụng hiệu quả vào thực tế đời sống kinh tế của người dân… Song song đó, cần xác định được các tiêu chí để xây dựng vùng phát triển dược liệu hàng hóa tập trung, chuyên canh, chất lượng dược liệu để đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Quan trọng hơn nữa là cần thiết xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành dược liệu một cách đột phá, đi vào thực tế đời sống sản xuất. Tạo lợi thế so sánh giữa cây dược liệu và cây trồng phổ biến khác trên một đơn vị diện tích đất đai. Qua đó, để có cơ sở quy hoạch, khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế tham gia theo hướng có lợi nhuận cao, chi phí thấp, lợi ích môi trường.

z4125006830361_9aba95199470350fc3ecf0622d7d8935-1-.jpg
Nấm linh chi đỏ được trồng dưới tán rừng Hàm Thuận Nam.

Đó là các giải pháp theo đề xuất để ngành dược liệu Bình Thuận có cơ hội phát triển trong thời gian tới. Còn hiện nay, Trung Quốc vừa thông báo quy định dược liệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này cần đầy đủ thông tin sản phẩm, tổng quan về sản xuất và thương mại dược liệu tại địa phương. Đồng thời, phải có bản đồ phân bố vùng sản xuất dược liệu xuất khẩu của tỉnh. Đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói, cần nêu rõ tổng quan về sản xuất thương mại dược liệu của vùng trồng cơ sở đóng gói; quy trình sản xuất và chế biến dược liệu xuất khẩu sang Trung Quốc… Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, đã đến lúc ngành chuyên môn, UBND các xã, thị, thành phố trong tỉnh cần khẩn trương rà soát các vùng trồng và cơ sở đóng gói dược liệu tại địa phương mình quản lý. Mục đích là chuẩn bị tốt cho việc đăng ký xuất khẩu dược liệu sang thị trường này. Đây vừa là thách thức, vừa mở ra cơ hội để tạo bước phát triển cho ngành dược liệu Bình Thuận trong tương lai không xa.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đại hội Đại biểu Hội Đông y Bình Thuận nhiệm kỳ VII (2020 -2025): Tạo thương hiệu dược liệu, phòng chữa bệnh thông thường bằng đông y
BTO- Sáng 27/11, Hội Đông y Bình Thuận tổ chức Đại hội Đại biểu Hội Đông y Bình Thuận nhiệm kỳ VII (2020 -2025). Đến dự đại hội có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa, lãnh đạo các sở ngành, đoàn thể có liên quan, hội đông y một số tỉnh thành lân cận và 180 đại biểu chính thức đại diện cho hội viên các cấp hội trong tỉnh.
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội nào cho ngành dược liệu Bình Thuận phát triển?