Biển Hòn Rơm. |
2 năm sau kể từ khi sự kiện nhật thực toàn phần diễn ra, tôi cùng đoàn nhà báo Quảng Trị khám phá điều bí ẩn ở Hòn Rơm bằng chiếc xe đặc chủng chạy ven mép biển khi thủy triều xuống. Lên đỉnh Hòn Rơm chỉ thấy mấy cây thân bụi; ở lưng chừng núi có một loại cỏ ống dài khoảng 0,5 m bị cháy khô dưới ánh nắng chiều tựa như màu vàng rơm. Thế rồi, sau sự kiện nhật thực khoảng 10 năm, Hòn Rơm như công chúa xinh đẹp ngủ quên được đánh thức. Con đường trải nhựa từ Phan Thiết đến Mũi Né, Long Sơn được thi công xây dựng, hàng chục dự án du lịch được mở ra. Ngoài con đường ven biển Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu thì những năm sau này tỉnh đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng làm nhiều con đường khác như đường 706B nên đến với địa danh Hòn Rơm khá thuận lợi. Tôi nói “cổ tích” Hòn Rơm là để thấy sự phát triển hiện tại cách biệt quá lớn so với 24 năm về trước. Từ một mảnh đất heo hút, không điện, không đường, không trường, không trạm… bây giờ hạ tầng chỉnh chu, hàng chục khu du lịch mọc lên và mỗi năm thu hút cả triệu lượt người đến. 17 km bờ biển Hòn Rơm là những dải cát vàng phục vụ phát triển du lịch. Hòn Rơm nhô ra mặt biển nên tạo thành cái vịnh nhỏ, sóng êm, bãi tắm thoai thoải, sóng vỗ nhẹ, an toàn rất lý tưởng cho các khu nghỉ dưỡng. Hoặc xa bờ một chút các vận động viên thể thao lợi dụng sức gió chơi các môn lướt sóng biển. Điều thú vị hơn là nghỉ lại khu vực Hòn Rơm, buổi tối từng nhóm du khách rọi đèn pin chụp còng trên bãi biển; giới trẻ có sức khỏe sáng sớm trèo lên đỉnh Hòn Rơm dang rộng cánh tay ôm luồng gió mát từ đại dương thổi vào, ngắm nhìn đồi cát hồng di động hay ngắm làng chài Mũi Né (TP. Phan Thiết) trong ánh bình minh.
Lê Thanh