Ảnh: Nguyên Ngọc
Cốm là món ăn khá quen thuộc của người Nam Trung Bộ, nhưng tại xứ Phan, những hộc cốm lại mang hình dáng khác hẳn so với các nơi khác.
Hồi còn bé, nhà tôi nằm sát vách nhà hàng xóm. Mỗi năm, cứ độ vào những ngày giáp xuân, tôi lại được ngửi mùi hương rất ngọt của mứt thơm rim với gừng lan tỏa trong con hẻm nhỏ như báo tôi biết là xuân sắp sửa lại về. Khắp ngõ xóm là những hộc cốm to, nhỏ được phơi bày tắm nắng dậy mùi hương thơm ngát. Mọi người hăng say bên mùi cốm thơm lành, tiếng nói, tiếng cười thêm tưng bừng nhộn nhịp.
Để làm ra những hộc cốm, người thợ xóm tôi sử dụng loại gạo nếp, khi rang sẽ nổ bung ra thành hạt nổ trắng tinh và sau đó ngào với đường. Đường được nấu với nước tạo ra một hỗn hợp sền sệt. Khi đường được thắng gần hòa tan với nước (hay nói đơn giản là khi thấy đường kéo lên thành sợi là được) thì sẽ được cho thêm các phụ liệu như: thơm, gừng cắt lát vào, vừa gia giảm bớt vị ngọt, lại vừa kích thích vị giác người ăn nhờ vị chua, cay. Nước đường thắng xong sẽ trộn với sữa, rưới từ từ lên mớ hạt nổ (nếp rang) và trộn cho đều tay khoảng 20-30 phút để nước đường bao bọc lấy hạt nổ. Nổ – chính là những hạt nếp già được rang chín, bung vỏ trấu, đây là nguyên liệu chính để chế biến cốm Phan Thiết.
Ảnh: Nguyên Ngọc
Sau công đoạn trộn sẽ đến đóng cốm. Khuôn đóng cốm là một cái hộc bằng gỗ có kích cỡ nhỏ hình chữ nhật, rỗng hai mặt. Cốm sẽ được nhồi vào trong, nén cho chặt tay lại. Sau đó, dùng miếng nhựa rời để ép cốm thành một khối vuông vức đẹp mắt. Phần này thì tôi thường thấy đàn ông làm vì họ mạnh tay hơn. Tiếp theo, lấy cốm ra, họ xếp vào một cái nia lớn rồi đem phơi nắng dưới những tấm vải mùng cho thật khô.
Khi cốm khô, đến công đoạn sau cùng là bao lại bằng những túi bóng kính hoặc các loại giấy màu với hoa văn rực rỡ. Ở hai đầu hộc được trang trí bằng một cái hoa giấy – là loại hoa thường để dán hộp quà, giúp gói cốm trông đẹp mắt hơn, rất thích hợp để làm quà biếu hoặc trưng lên bàn thờ ngày tết.
Vậy đó, công đoạn làm cốm tuy đòi hỏi sự nhẫn nại từ công tác rim mức, đóng cốm, bao bì nhưng diễn ra cùng sự quây quần của mọi người khiến mùa cốm thêm rộn ràng, thân thương!
Theo thời gian, cuộc sống hiện đại càng thay đổi, nghề làm cốm cũng ngày một vơi dần. Người ta không còn thấy cốm hiện diện nhiều ở các đầu ngõ xóm mỗi dịp tết đến xuân về. Tuy vậy, vẫn có số ít hộ gia đình còn gắn bó với nghề làm cốm, họ cải tiến lên thành xưởng sản xuất. Ngoài việc nâng cao chất lượng cốm thì còn duy trì được nét truyền thống của nghề làm cốm.
Ngày nay, cốm không chỉ xuất hiện thường lệ vào những ngày tết mà còn được sản xuất quanh năm để phục vụ nhu cầu làm quà biếu của khách du lịch. Bạn có thể tìm thấy cốm ở các gian hàng trong chợ Phan Thiết hoặc tại các quầy hàng lưu niệm đặc sản với giá thành khá rẻ, vừa làm quà biếu ý nghĩa lại vừa có thể nhâm nhi dọc đường đi.
Có thể nói, thứ quà cốm trao tay tuy mộc mạc, giản dị nhưng lại chứa đựng cả một ký ức đẹp của linh hồn tết xứ Phan!