Kết thúc năm 2022, dự ước giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) của địa phương đạt xấp xỉ 39.120 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đề ra và tăng hơn 10% so thực hiện năm ngoái. Trong đó lĩnh vực “đầu tàu” là công nghiệp chế biến - chế tạo đạt 20.736,2 tỷ đồng (tăng gần 20%), còn sản xuất - phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đóng góp khoảng 15.028,6 tỷ đồng (giảm 2,72%), với công nghiệp khai khoáng đạt hơn 3.100 tỷ đồng (tăng 30,93%)…
Năm nay, ngành chức năng và đơn vị liên quan cũng theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu - cụm công nghiệp, công trình, dự án điện, chú trọng phối hợp ngành điện đầu tư hệ thống lưới điện, truyền tải điện để giải phóng công suất các nhà máy điện. Tích cực triển khai xúc tiến đầu tư và thu hút dự án thứ cấp vào các khu - cụm công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm hoàn thành công tác chuẩn bị, đền bù giải tỏa, kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm khởi công xây dựng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Khu công nghiệp Tân Đức.
Sở hữu tiềm năng và lợi thế nắng gió quanh năm, lĩnh vực năng lượng tái tạo tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư mong muốn triển khai dự án sản xuất điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi… Sở Công Thương cho biết, trong năm đã tham mưu UBND tỉnh có ý kiến gởi Bộ Tài nguyên và Môi trường về đề xuất nghiên cứu, khảo sát để phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận của Công ty Macquarie Capital Vietnam Green Investments Pte. Limited. Ngoài ra còn làm việc, giải quyết kiến nghị của Tập đoàn Enterprize Energy về dự án điện gió ngoài khơi và dự án điện phân nước biển sản xuất khí Hydro (ngoài khơi mũi Kê Gà), tỉnh Bình Thuận.
Đến nay, việc huy động nguồn lực phát triển hạ tầng năng lượng trên địa bàn tỉnh luôn được ngành quan tâm, như hoàn thành đầu tư 15 công trình lưới điện trung hạ thế với tổng vốn khoảng 52,7 tỷ đồng. Tiếp tục có thêm 2 dự án điện gió được hoàn thành lắp đặt trụ tuabin cũng như các hạng mục kèm theo với tổng công suất 119,8 MW và tổng vốn đầu tư 6.636 tỷ đồng. Cụ thể gồm: Nhà máy Điện gió Hòa Thắng 1.2 (công suất 100 MW, tổng vốn đầu tư 4.736 tỷ đồng) và Nhà máy Điện gió Hòa Thắng 2.2 (công suất 19,8 MW, tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng). Cùng với đó, toàn tỉnh có 15 cụm công nghiệp triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, bước đầu thu hút được một số dự án sản xuất quy mô, có trường hợp đăng ký vốn đầu tư lên đến hàng chục triệu USD…
Bước sang năm 2023, Bình Thuận tiếp tục hướng đến khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng như chủ động liên kết, hợp tác và hội nhập. Trọng tâm vẫn tập trung phát triển 3 trụ cột chính đã xác định là công nghiệp, du lịch, nông nghiệp để góp phần phục hồi, thúc đẩy kinh tế địa phương thời hậu đại dịch vươn lên xứng tầm. Riêng với công nghiệp sẽ khuyến khích đầu tư vào khâu bảo quản sau thu hoạch, đẩy mạnh phát triển chế biến theo hướng tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là về chế biến nông - lâm - thủy sản và các sản phẩm lợi thế của Bình Thuận.
Tới đây, địa phương cũng kêu gọi thu hút đầu tư các dự án công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng, dự án sản xuất thiết bị điện, linh kiện điện tử, lắp ráp máy móc, ô tô, xe máy... và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm. Tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công các khu - cụm công nghiệp, phát huy hạ tầng kết nối tuyến đường bộ cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh để phát triển một số khu công nghiệp theo hướng kết hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.