Công trình chúng tôi phản ánh nằm xa khu dân cư, giữa cánh đồng mẫu thẳng cánh cò bay (cánh đồng A) thuộc thôn 5, được xây dựng theo kiểu trang trại chăn nuôi có đào ao của ông Nguyễn Văn Được, ngụ thôn 7, xã Măng Tố.
Theo người dân, ông Được bắt đầu có ý định đầu tư xây dựng trang trại này trong năm qua, khi Măng Tố còn đang dư âm chuyện một công chức địa chính xã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tánh Linh bắt giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”, liên quan đến việc cố ý làm trái quy định trên lĩnh vực đất đai, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp cho một hộ dân. Đến khoảng tháng 4/2024, công trình hoàn thành thì UBND xã lập biên bản xử phạt, sau khi dư luận xôn xao chuyện ông xây dựng công trình trái phép trên đất lúa.
Biên bản làm việc cho biết, ông Được tự cải tạo diện tích đất lúa của mình thành trang trại nuôi vịt, với đào ao, lấy đất bồi nền dựng trại chăn nuôi, làm thay đổi hiện trạng cánh đồng lúa một cách khó chấp nhận. Ông Được biết mình sai và hứa đến cuối năm nay sẽ tự tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu do thời điểm này vịt nuôi còn nhỏ.
Trước tình trạng trên, Đảng ủy xã Măng Tố yêu cầu, UBND xã thực hiện nghiêm túc việc quản lý lĩnh vực xây dựng, nhất là việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đồng thời xử lý dứt điểm các công trình đã và đang xây dựng trái phép trên đất lúa. Bà Nguyễn Thị Hương – Bí thư Đảng ủy xã Măng Tố nhấn mạnh, quan điểm của xã Măng Tố là quyết tâm giữ diện tích đất lúa ổn định, không để nông dân xây dựng trái phép trên đất lúa. Đối với những hành vi tự lập trang trại, chuồng chăn nuôi trên đất trồng lúa là vi phạm Luật Đất đai về sử dụng đất không đúng mục đích, không được Nhà nước cho phép. Chúng tôi đang chỉ đạo UBND xã xử lý dứt điểm không để dẫn đến tình trạng theo nhau “xé rào” làm mất diện tích đất lúa, gây nhiều hệ lụy.
Được biết, Măng Tố là 1 trong 16 xã, thị trấn của huyện Tánh Linh có diện tích đất trồng lúa nước lớn nhất huyện. Trong kế hoạch lộ trình xây dựng cánh đồng lớn trên vùng lúa chất lượng cao gắn với tiêu thụ nông sản (lúa gạo) giai đoạn 2021 – 2025, huyện Tánh Linh phấn đấu đến năm 2025, hình thành 3.400 ha sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn trên vùng lúa chất lượng cao. Trong đó, duy trì diện tích 1.310 ha đã xây dựng giai đoạn 2016 -2020 và hình thành thêm 2.090 ha còn lại trong giai đoạn 2021 – 2025, gồm 1.690 ha trong vùng lúa chất lượng cao và mở rộng thêm 400 ha vùng lân cận. Đến nay đã mở rộng thêm ở nhiều xã, trong đó năm 2024, Măng Tố 50 ha và dự kiến năm 2025 mở rộng thêm 50 ha.
Theo đó, trước kế hoạch trên cần phải quản lý chặt chẽ đất lúa không để xây dựng trái phép làm thu hẹp diện tích, ảnh hưởng đến an ninh lương thực vốn đã và đang được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Cụ thể, Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và đề ra rất nhiều giải pháp quyết liệt để giữ được đất trồng lúa. Ngoài ra còn nhiều văn bản khác, bổ sung, sửa đổi để quản lý chặt chẽ đất trồng lúa. Tại kỳ họp Quốc hội góp ý cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi) năm qua đa số đại biểu Quốc hội tán thành quan điểm cần quản lý chặt chẽ đất trồng lúa. Các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long như Long An, Tiền Giang, gần đây xử lý nghiêm những trường hợp đào ao trên đất lúa nuôi thủy sản.
Chính vì vậy, người dân Măng Tố đang dõi theo công trình trên có tháo dỡ như đã cam kết với UBND xã. Vì trong thực tế có nhiều trường hợp xây dựng trái phép tương tự cũng làm cam kết sẽ tháo dỡ, nhưng rồi đến thời hạn lại không tháo dỡ. Chính quyền địa phương lơ là không quan tâm đến nữa, người vi phạm vẫn tiếp tục hoạt động, tạo ra tiền lệ người này xây dựng trái phép được thì người khác cũng xây dựng, gây mất lòng tin trong nhân dân, ảnh hưởng đến việc quy hoạch phát triển của địa phương.