Theo dõi trên

Covid-19 chuyển sang phòng ngừa, kiểm soát dài hạn

17/05/2023, 05:45

Dù Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, nhưng số mắc Covid-19 có chiều hướng gia tăng. Vậy chiến lược mới trong phòng chống Covid-19 là gì?

1. Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố: Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Bởi mức độ miễn dịch trên toàn cầu đã tăng cao nhờ vào tiêm vắc xin và bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn là mối đe dọa toàn cầu. Với tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp, không có nghĩa là kết thúc đại dịch Covid-19. Các quốc gia không chủ quan, mất cảnh giác mà ở trong tâm thế sẵn sàng ứng phó Covid-19. Chiến lược mới trong phòng chống Covid-19 giai đoạn 2023 - 2025, các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dài hạn(*). Dù Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, nhưng số ca mắc mới Covid-19 tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng. Tại Bình Thuận, từ 6 - 12/5, toàn tỉnh có 65 ca mắc Covid-19; trong đó, có 26 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, thì có 3 ca nặng. Cụ thể, La Gi 13 ca, Tánh Linh 9 ca, Hàm Thuận Bắc 8 ca, Bắc Bình 6 ca, Hàm Thuận Nam 6 ca, Tuy Phong 6 ca, Đức Linh 6 ca, Hàm Tân 5 ca, Phan Thiết 5 ca, Phú Quý 1 ca. Số ca mắc này có chiều hướng tăng, tăng cao hơn so với các tháng trước đó. Trong khi, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 144 ca mắc Covid-19. Trong đó, có 2 ca ngoài tỉnh, không có ca tử vong. Thông qua số liệu cho thấy, tình hình dịch Covid-19 trong tỉnh vẫn kiểm soát được, dịch ở cấp độ 1 (vùng xanh).

kham-sang-loc.jpg
Khám sàng lọc cho học sinh tiểu học trước khi tiêm vắc xin Covid-19.

2. Song Covid-19 đang tiếp tục phát triển và kể từ khi Omicron lần đầu tiên xuất hiện, đến nay có hơn 900 dòng biến thể phụ khác nhau đang lưu hành. Mặc dù mọi người đang sống chung cùng Covid-19 và được tiêm vắc xin, nhưng khả năng miễn dịch sẽ suy yếu dần theo thời gian(*). Cùng với đó, sự biến đổi của vi rút có thể gây ra làn sóng dịch mới. Trước sự giao thương, du lịch, Covid-19 và con người cùng di chuyển với nhau từ nơi này sang nơi khác. Nghĩa là mọi người có thể bị tái nhiễm. Điều này chỉ ra rằng Covid-19 không thể biến mất và không ngừng biến đổi.

Vì vậy, mọi người phải chung sống và bảo vệ bản thân tránh sự lây nhiễm ở mức tối thiểu nhất. Tiêm vắc xin là một cách rất thiết thực để bảo vệ mỗi người. Đặc biệt, nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi, những người có bệnh nền. Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân trong thời gian tới cần duy trì khẩu hiệu 2K và vắc xin. Đây là các giải pháp phòng bệnh chủ động và phòng bệnh lâu dài của mỗi cá nhân.

3. Tại Bình Thuận, Covid-19 đứng đầu trong danh sách 19 bệnh truyền nhiễm được UBND tỉnh triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh trong năm 2023. Để hạn chế tối đa nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh cũng yêu cầu nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe; tuyên truyền vận động người dân thực hiện thông điệp “2K và vắc xin, thuốc điều trị, công nghệ cùng với ý thức người dân”.

Theo đó, các địa phương sẽ tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin theo đợt trong thời gian tới theo quy định của Bộ Y tế dựa trên số người cần tiêm, lịch tiêm của các mũi cơ bản và mũi tiêm nhắc. Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân đeo khẩu trang nơi đông người, khử khuẩn vệ sinh tay như thói quen sinh hoạt thường ngày.

(*): Tham khảo và dịch từ trang Reuters, The Guardian, New York Times...

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
 Thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 thường xuyên, liên tục
Đó là yêu cầu của Bộ Y tế tại hội nghị trực tuyến công tác phòng chống dịch với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước diễn ra mới đây.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Covid-19 chuyển sang phòng ngừa, kiểm soát dài hạn