Theo dõi trên

Cù Lao Thu ngày càng gần hơn

23/04/2021, 08:58

BT- 46 năm trước, Cù Lao Thu (Phú Quý) là phần đất cuối cùng của tỉnh Bình Thuận được hoàn toàn giải phóng. Lịch sử còn ghi: đêm 26/4/1975, được sự chi viện của Đoàn 385 Hải quân, một bộ phận của lực lượng đặc công hải quân và đại đội 490 Tuy Phong, dùng 5 thuyền máy vượt biển tiến ra giải phóng Cù Lao Thu. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, toàn bộ quân địch trên đảo đã hạ vũ khí đầu hàng.

Dịp lễ chiến thắng năm nay, dù đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng không vui sao được khi nghe tin các khách sạn, homestay ở Phú Quý đều kín phòng dịp lễ. 5 chiếc tàu trung - cao tốc tuyến Phan Thiết - Phú Quý phải tăng chuyến lên gấp đôi mới kịp phục vụ. Khoảng cách giữa đảo với đất liền ngày càng gần hơn, trước đây để ra đảo du khách phải mất 6 - 7 giờ, mệt mỏi do say sóng nếu gặp thời tiết xấu, nay thì chỉ còn 2,5 giờ. Mùa này biển lặng sóng êm, các tàu cao tốc vào ra liên tục, mỗi ngày đưa 600 - 900 du khách ra thăm đảo.

46 năm sau giải phóng, người dân đảo Cù Lao Thu cần cù nỗ lực xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc giữa trùng khơi. Cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm ngày càng khang trang. Tháng 12/2016 huyện đảo đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. An ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo được giữ vững. Ngành khai thác - chế biến - nuôi trồng thủy sản tiếp tục là trụ cột kinh tế của huyện đảo, bên cạnh ngành du lịch đang khởi sắc từng ngày. Phú Quý có đội tàu 1.400 chiếc vươn khơi bám biển, hàng năm đem về trên 30.000 tấn hải sản. Toàn đảo còn có 59 cơ sở nuôi thủy sản lồng bè, sản lượng trên 80 tấn. Du lịch đảo năm ngoái dù bị ảnh hưởng Covid-19 nhưng vẫn đón trên 50.000 du khách (năm 2000 Phú Quý chỉ đón 1.000 khách - NV).

Tháng 7 năm ngoái, Phú Quý được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh, tới tháng 9 Bình Thuận hủy bỏ giấy phép thông hành cho du khách nước ngoài ra đảo. Điều này chắc chắn sẽ thu hút đông du khách quốc tế trở lại Phú Quý, khi Việt Nam áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” để phục hồi du lịch.

Đảng bộ huyện đảo nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 5 năm tới sẽ tập trung phát triển kinh tế biển (nhất là du lịch biển - đảo) để không chỉ làm giàu từ biển, mạnh từ biển, mà còn nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước. Kinh tế biển với mũi nhọn du lịch cũng là trụ cột phát triển của Bình Thuận trong 5 năm tới và xa hơn nữa.

Phú Quý từng được chuyên trang du lịch của CNN bình chọn là “một trong những bãi biển đẹp nhất biển Đông”. Tiềm năng du lịch của Phú Quý còn rất lớn. Theo quy hoạch đến năm 2030 Phú Quý sẽ trở thành điểm du lịch quốc gia (đón 74.000 lượt khách, trong đó có 6.000 khách quốc tế). Đến cuối năm 2022 khi Bình Thuận đã có sân bay, đường cao tốc, lượng du khách đến Phú Quý sẽ còn đông vui, nhộn nhịp hơn nữa. Tương lai, Phú Quý sẽ có thêm các tàu cao tốc hiện đại, có cả sân bay, cảng biển để Phú Quý tới gần hơn với bạn bè quốc tế, có nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt phục vụ phát triển du lịch và tăng cường an ninh quốc phòng, bảo vệ biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

ĐẶNG DŨNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cù Lao Thu ngày càng gần hơn