Khi chúng tôi có mặt tại cửa xả số 6 và số 7, nhận thấy cảnh nông dân bỏ đất trắng xóa không canh tác, đặc biệt khu vực cửa xả số 7. Nước vẫn chảy đều đều trong đường cống của cửa xả, trong khi mặt đất trắng xóa, khô róc, bà con nông dân đang ra sức bơm nước từ giếng khoan sâu 8m (sau khi đã khoan thêm 4m) để tưới cứu vãn những gì đã trồng. Cô Phượng – một nông dân có đất dọc hai bên cửa xả số 7 bức xúc: “Ngày nào cũng kéo điện ra tưới, không tưới thì héo, mệt mỏi quá bỏ làm luôn. Nhưng bỏ lấy gì sống, tôi gắng trồng cỏ mía, cho bò ăn chứ biết làm gì”.
Ông Trần Văn Tuấn - một nông dân có hơn 5 sào hoa màu hai bên cửa xả số 6 cho biết: đất khô quá không làm nổi, trước kia khi chưa làm cửa xả thì 2, 3 ngày mới tưới một lần, hiện nay mỗi ngày phải tưới từ 1 đến 2 lần nhưng đất vẫn khô. Tôi nghĩ có thể do nước rút hết vào ống cống của cửa xả. Trưởng thôn Nguyễn Thanh Bình cho biết: Kể từ ngày nhà nước làm tuyến đường Hòa Thắng – Hòa Phú, người dân đồng tình hoan nghênh. Nhưng lại phát sinh tình trạng này khiến chúng tôi lo lắng. Nước chảy suốt ngày đêm trong đường cống cửa xả, trong khi trên mặt đất luôn trong tình trạng khô hạn. Tôi cho rằng, bao nhiêu nước, phân bón của người dân tưới chăm sóc hoa màu thấm xuống đất và qua chỗ nối giữa các ống bi chảy ra ngoài. Tôi cố gắng vận động bà con sản xuất, tưới liên tục… nhưng cũng không đạt. Đề nghị các cấp chính quyền, xuống hiện trường xem xét, khắc phục như thế nào để nông dân yên tâm sản xuất ổn định cuộc sống.
Vấn đề này, UBND xã Hòa Thắng cũng đã biết, theo ông Lê Thanh Chung – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, cuối năm qua khu vực cửa xả số 6 bị ngập, xã cũng đã có văn bản gửi Sở GT – VT. Sau đó, phối hợp với đơn vị thi công sửa chữa cũng như hỗ trợ lại cho một số hộ bị ngập. Hiện nay xảy ra tình trạng rút sạch nước khi bà con tưới hoa màu, xã cũng có nghe và theo dõi… nếu đúng như vậy, chúng tôi làm văn bản đề nghị sở xuống xem xét, để nông dân yên tâm sản xuất.
Nhiều nông dân Hồng Thắng, những người hiểu rõ về thổ nhưỡng nơi đây đang mong các ngành chức năng sớm xuống hiện trường xem xét xác định rõ nguyên nhân để có hướng khắc phục giúp họ yên tâm canh tác.
Một vấn đề liên quan nữa, các hộ dân phàn nàn rằng ở khu vực này có con đường “huyết mạch” để họ đưa phương tiện vào trong rẫy chở nông sản ra tiêu thụ.Từ khi làm cửa xả thì con đường bị cắt đứt bởi một mương dẫn nước (từ trong cửa xả ra). Ông Nguyễn Hữu Đức cho biết, hồi đó tới giờ, chúng tôi chỉ có con đường này để vào rẫy canh tác cũng như vận chuyển nông sản, nhưng hiện nay chúng tôi đi lại rất khó khăn. Rất mong các ngành chức năng giải quyết những vấn đề trên.
Lê Ninh