Theo dõi trên

Đa Mi: Nông dân phấn khởi vì cà phê được giá

26/12/2022, 19:38

Những năm gần đây, cà phê trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp nông dân xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Vụ cà phê năm 2022 nhờ thời tiết thuận lợi, nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào chăm sóc nên cho năng suất ổn định; giá thu mua cà phê hiện tại cũng tăng so với năm 2021 nên bà con rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Anh Toàn - Chủ tịch UBND xã Đa Mi cho biết, do cà phê hợp thổ nhưỡng nên đến nay nông dân địa phương sản xuất với diện tích khoảng 1.450 ha, hầu hết đang trong giai đoạn cho thu hoạch.

vlcsnap-2022-12-26-16h08m22s106.png

Thôn Đa Kim là địa bàn sản xuất cà phê nhiều nhất chiếm gần 1/3 diện tích toàn xã. Để phát huy hiệu quả cây trồng chủ lực này, thời gian qua, địa phương thường xuyên phối hợp với các công ty, ngành chức năng của tỉnh, huyện tổ chức tập huấn, dạy nghề về kỹ thuật canh tác cà phê cho nông dân. Ngoài việc chuyển giao tiến bộ KHKT, UBND xã còn khuyến khích nông dân mạnh dạn đưa các giống cà phê lai tạo vào sản xuất, như cà phê cao sản 138 lá xoài, cà phê Thiện Trường, cà phê Trường Sơn TS5… Tuy là giống mới, nhưng nhờ Đa Mi có khí hậu phù hợp, những giống cà phê lai tạo đã nhanh chóng thích nghi và cho năng suất cao hơn giống cà phê truyền thống, góp phần nâng tổng sản lượng cà phê ở địa phương tăng lên. Đáng chú ý trong năm 2022, nhờ thời tiết thuận lợi, đầu tư chăm sóc khoa học, không chỉ các giống cà phê lai tạo, mà hầu hết diện tích cà phê truyền thống ở xã Đa Mi đều cho năng suất khá, đến cuối tháng 11 cây trồng này đã cho thu hoạch rộ với năng suất bình quân đạt 2,5 - 3 tấn/ha, bằng năm 2021.

vlcsnap-2022-12-26-16h10m04s710.png

Ông Huỳnh Thanh Nhi - ngụ Buôn Tàu Mỹ, thôn Đa Tro là một trong những hộ sản xuất cà phê lâu đời và có diện tích nhiều nhất xã Đa Mi với khoảng 10 ha. Ông cũng là hộ tiên phong đưa giống cà phê lai ghép 138 lá xoài vào canh tác.

Mùa vụ năm 2022 niềm vui được mùa đã đến với gia đình ông khi năng suất cà phê của gia đình bình quân đạt hơn 3 tấn/ha, đứng tốp đầu về năng suất so với các hộ sản xuất cà phê trong xã. Không như mọi năm cà phê được mùa thì mất giá, năm nay nông dân xã Đa Mi được hưởng niềm vui trọn vẹn vì “điệp khúc” này đã không còn lặp lại. Hiện tại thương lái thu mua tại nhà với giá bình quân 40.000 đồng/kg cà phê nhân, tăng 4.000 đồng so với năm ngoái. “Trước đây cà phê thường hay rớt giá một phần do nông dân ứng trước vật tư, phân thuốc của tư thương, đến khi thu hoạch thì bị họ ép giá; hơn nữa thị trường mua bán sản phẩm cà phê của địa phương lúc trước chủ yếu tại tỉnh Lâm Đồng, do cá nhân người dân tự thỏa thuận với doanh nghiệp nên giá cả đôi khi không được đảm bảo. Tuy nhiên, 2 năm gần đây số lượng thương lái thu mua cà phê trên địa bàn tăng lên nhiều, hơn nữa chính quyền địa phương chú ý đến việc vận động nông dân liên kết với doanh nghiệp trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nên đầu ra cà phê dần ổn định…”, ông Nguyễn Anh Toàn - Chủ tịch UBND xã Đa Mi cho biết thêm.

Cà phê được mùa, giá tăng đã giúp nông dân xã Đa Mi nâng cao thu nhập. Với năng suất bình quân 2,5 - 3 tấn/ha, bán với giá 40.000 đồng/kg, thì mỗi ha bà con thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất còn lãi 60 - 80 triệu đồng. Nguồn thu nhập này đủ giúp nông dân địa phương trang trải chi phí sinh hoạt, đảm bảo cuộc sống sung túc, đủ đầy.

LINH NGUYỄN


(0) Bình luận
Bài liên quan

Doanh nghiệp tại các KCN thu hút hơn 11.500 lao động
BTO-Tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Bình Thuận hiện có 66/86 dự án đăng ký còn hiệu lực đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, bao gồm 44 dự án vốn trong nước và 22 dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đa Mi: Nông dân phấn khởi vì cà phê được giá