Theo dõi trên

Đá quánh… một thời!

26/02/2019, 14:35

BX-  Xưa kia, nghề làm đá quánh khá phát triển. Nhưng nay, nghề này chỉ còn trong ký ức của những người lớn tuổi và những dấu vết còn sót lại theo thời gian.

 Giếng cổ

Trong một lần đến Cửa Sứt, thuộc xóm 9, thôn 1, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong để tìm hiểu về những giếng cổ, từng khiến dư luận xôn xao khi có người từ tận TP. Hồ Chí Minh ra để khẳng định với chính quyền địa phương dưới đó có chứa hàng ngàn tấn vàng, do quân đội Nhật để lại vào thế chiến thứ II, gắn với “huyền thoại” kho vàng núi Tàu mà cụ Trần Văn Tiệp, đã bỏ cả cuộc đời để cất công tìm kiếm. Trên đường khám phá chiếc giếng cổ đó, chúng tôi bị thu hút bởi những dấu vết khá lạ, được đục đẽo vuông vức, sắc cạnh, nằm ngay sát mép nước, chạy dọc ven biển Cửa Sứt. Trông chúng như những bức tường đá của một di tích cổ xưa nào đó còn sót lại.

Tìm hiểu, chúng tôi được bà Đoàn Thị Khinh, cư dân sống lâu năm nhất ở đây cho biết, đó là dấu vết của nghề làm đá quánh, một thời gắn bó với đời sống người dân địa phương. Bà Khinh kể, không nhớ chính xác gia đình bà chuyển đến Cửa Sứt định cư năm nào, chỉ biết là lâu lắm rồi. Khi ấy, dân cư ở đây rất thưa thớt, cả xóm lèo tèo vài gia đình, cuộc sống nghèo khổ. Nơi đây thiếu mưa, thừa nắng, khô hạn, đặc biệt tại Cửa Sứt còn phải chịu thêm sự nhiễm mặn của biển, nên chẳng thể trồng cấy gì được, chăn nuôi lại càng khó. Từ đó, hầu hết người dân quanh năm chỉ làm 2 nghề chính là đi biển và khai thác đá quánh. Ngày đó dọc bờ biển của xã, loại đá này khá nhiều. Người dân khai thác đá quánh vừa để làm vật liệu xây nhà, vừa bán cho các địa phương khác để sinh kế.

                
Bà Đoàn Thị Khinh giới thiệu về cục đá    quánh.

 Bụi mờ thời gian

Đá quánh hay còn gọi là đá chai thường tập trung ven bờ, tạo ra những hầm có độ sâu tối đa cỡ 5m. Có 2 loại hầm: Già và non. Chỉ những hầm già đúng tuổi mới cho loại đá cứng. Gọi là đá, nhưng theo nhiều người, thực chất chỉ là cát, dưới áp lực của sóng biển lâu ngày được ép lại, kết cấu với nhau và trở nên rắn chắc như đá. Có thể do cấu tạo của cát và điều kiện khí hậu khác nhau nên không phải ở vùng biển nào cũng có đá quánh như ở Phước Thể. Khai thác đá quánh khá vất vả, cần có sự góp sức của nhiều người, bởi mọi công đoạn đều làm thủ công. Dưới cái nắng như thiêu  đốt của Tuy Phong, đàn ông khỏe mạnh đục từng tảng đá lớn chuyển lên bờ để đàn bà đẽo ra thành từng cục đá nhỏ vuông vắn. Ngày nào cũng thế, họ làm từ sáng sớm đến tối mịt. Ngay cả việc vận chuyển đá về cũng không đơn giản. Từ khu dân cư Cửa Sứt đến khu vực khai thác đá chỉ khoảng 1 cây số, nhưng phải đi bộ qua những động cát lún cả mắt cá chân. Để đưa được đá về người ta phải thay nhau gánh từng gánh nhỏ. Chính cái giếng cổ được đồn đoán chứa kho báu mà chúng tôi muốn tìm hiểu, là nguồn cung cấp nước ngọt cho “phu đá” còn tàng tích đến hôm nay.

                
Vết tích của một nghề gian khổ.

Đã xa rồi cái nghề đàn ông đục, đàn bà đẽo. Giờ đây nghề làm đá quánh chỉ còn lại trong ký ức của những bậc cao niên tại Cửa Sứt. “10 năm trước, trong xóm vẫn còn một số người làm nghề này. Nhưng nay nguồn nguyên liệu cạn kiệt, hơn nữa các loại vật liệu xây dựng bây giờ cũng phong phú, đa dạng, giá thành rẻ hơn nên khó để nghề đá quánh cạnh tranh được. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, hôm nay cuộc sống của người dân Cửa Sứt được cải thiện nhiều, do vậy không ai còn làm công việc vất vả này”, bà Khinh cho biết.

Bao mùa xuân trôi qua, nghề khai thác đá quánh dần mai một. Cái giếng cổ cũng bị vùi lấp đi và chìm trong quên lãng. Rồi đây nghề khai thác đá quánh chỉ còn là vết bụi mờ trong ký ức thời gian.

Đình Nhượng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đá quánh… một thời!