Mở đầu lễ hội là phần rước Y trang nữ thần Pô Sah Inư. Hàng nghìn người dự lễ có dịp say đắm với các điệu múa duyên dáng, uyển chuyển của các thiếu nữ Chăm xinh đẹp, hòa quyện trong âm thanh rộn ràng của tiếng trống Baranưng, tiếng réo rắt của kèn Saranai. Tại tháp Pô Sah Inư, lần lượt các nghi thức như mở cửa tháp chính, tắm bệ thờ Linga-Yoni, cúng Lễ cầu an... được các nghệ nhân người Chăm thực hiện theo đúng truyền thống.
Xem Clip
Phần hội được tổ chức sôi động với nhiều hoạt động vui chơi, giao lưu phong phú hơn so với mọi năm. Các hội thi dân gian truyền thống của dân tộc Chăm như thi tay nghề làm bánh gan tây, bánh gừng, thi trưng bày và trang trí lễ vật để dâng cúng tổ tiên, thi dệt thổ cẩm, làm gốm… Các hoạt động trong phần hội được gắn kết chặt chẽ với phần lễ tạo nên một lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào Chăm.
Các trò chơi dân gian truyền thống như: thi đội nước vượt chướng ngại vật, ngậm chanh về đích, nhảy bao bố, thi cướp cờ, biểu diễn trống Paranưng, trống Ghinăng, kèn Saranai... đã làm cho lễ hội càng thêm cuốn hút, sinh động. Người dân địa phương và khách tham quan như cùng hòa mình vào câu ca, điệu múa, vào những tiếng hò reo cổ vũ không ngớt.
Điểm nổi bật của lễ hội năm nay là trong các hoạt động của phần hội không chỉ gói gọn trong cộng đồng người Chăm mà người dân địa phương và du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian, tham gia biểu diễn nhạc cụ dân tộc Chăm, làm bánh cổ truyền của người Chăm… dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân Chăm tài hoa.
Việc tổ chức lễ hội Katê hàng năm không chỉ để duy trì và phát huy những giá trị văn hóa mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước nét văn hóa đặc sắc của Bình Thuận và văn hóa của cộng đồng người Chăm.
Hồng Châu