Theo dõi trên

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh: Đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, nâng cao hiệu lực quản lý và bảo vệ người tiêu dùng

23/05/2025, 11:41

BTO-Thảo luận tại Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2025, đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các địa phương trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt và khó kiểm soát.

Theo đại biểu, tinh thần đổi mới, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đã mang lại kết quả rõ nét, đặc biệt về tăng trưởng kinh tế. GDP quý I/2025 đạt 6,93% – mức cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020–2025. Có 9 địa phương đạt mức tăng trưởng trên 10%, trong đó TP. Hồ Chí Minh tăng 7,51%, Hà Nội 7,35%. Bình Thuận đạt 8,1% - đây là kết quả cao, thể hiện quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị tỉnh.

img_7379.jpg
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thảo luận tại Tổ sáng 23/5

Về triển khai Nghị quyết 57, đại biểu cho biết các địa phương đang rất quyết tâm thực hiện đột phá về phát triển kinh tế, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phát động phong trào thi đua gắn với chỉ tiêu tăng trưởng 8% năm 2025. Nếu tỉnh nào không đạt, coi như hoạt động chưa hiệu quả.

Đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của các dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, các dự án điện – đặc biệt là nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận dự kiến vận hành năm 2030–2031, và 80 công trình trọng điểm được khởi công, khánh thành chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền Nam – tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Về xã hội, đại biểu đánh giá cao sự thống nhất trong việc xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, với quyết tâm đạt 100% vào năm 2025. Tại Bình Thuận đã hoàn thành 100% việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong danh sách được giao trước thời hạn cuối tháng 4/2025 và đang quyết tâm hoàn thành phần còn lại cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn vào 30/6/2025, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Bên cạnh đó, đại biểu đặc biệt quan tâm đến chủ trương miễn học phí từ bậc mầm non đến THPT – chính sách nhân văn, tạo hiệu ứng lan tỏa và nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Đại biểu đề nghị sớm triển khai trong năm học mới.

img_7392.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tổ sáng 23/5

Về tổ chức bộ máy, đại biểu đánh giá thời điểm ban hành chính sách là phù hợp. Tuy nhiên, cần chú trọng đảm bảo chế độ cho cán bộ bị ảnh hưởng do tinh giản, sắp xếp, trong đó có chính sách 177 và 178 đang triển khai. Tại Bình Thuận, tỷ lệ đồng thuận đạt trên 95%, nhưng vẫn còn tâm tư, lo lắng về cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở, chính sách lâu dài. Mặt trận các cấp cũng gặp khó khăn khi sắp xếp tại cấp cơ sở. Dù đã có hướng dẫn 31 của Bộ Nội vụ, nhưng thực tế triển khai còn nhiều nội dung chưa cụ thể, cần có chỉ đạo, hướng dẫn sát hơn từ Trung ương và Mặt trận Trung ương.

Về an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng, đại biểu đặc biệt lo ngại tình trạng hàng giả tràn lan: sữa giả, thuốc giả, gạo giả, muối có vi nhựa, bột ngọt kém chất lượng… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, nhất là trẻ em. Đại biểu đề nghị cần nêu rõ trong báo cáo, phân tích trách nhiệm từng cơ quan, xử lý nghiêm, công khai kết quả để dân giám sát và yên tâm sử dụng hàng hóa. Đại biểu cũng phản ánh tình trạng lừa đảo qua mạng, tin nhắn, cuộc gọi mạo danh công an, cán bộ nhà nước nhằm chiếm đoạt tài sản – chính đại biểu đã từng nhận nhiều cuộc gọi, tin nhắn như vậy. Đại biểu đề nghị ngành chức năng phải quyết liệt xử lý, nâng cao hiệu lực quản lý không gian mạng.

Về chuyển đổi số, đại biểu nhấn mạnh phải trang bị đầy đủ thiết bị, hạ tầng kỹ thuật cho cán bộ, nhất là ở cơ sở. Các tỉnh đang sáp nhập cần đặc biệt được quan tâm để không ảnh hưởng đến công tác tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính. Nghị quyết 57 về chuyển đổi số quốc gia chỉ hiệu quả khi địa phương được hỗ trợ đủ thiết bị, nhân lực.

Từ những nội dung trên, đại biểu Bố Thị Xuân Linh khẳng định đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ, nhưng đề nghị cần đi sâu hơn vào các vấn đề thực tiễn, phản ánh đúng tâm tư cử tri. Đồng thời đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ địa phương tháo gỡ vướng mắc, tăng cường hướng dẫn cụ thể trong thực hiện các chính sách trọng tâm năm 2025.

T.HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kỳ họp thứ 9: Quốc hội hành động vì những đổi mới thực chất
Sáng nay 5/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV khai mạc trong bối cảnh đất nước bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ cả về thể chế và tổ chức bộ máy. Đây cũng là thời điểm quan trọng chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử nhiệm kỳ mới. Với khối lượng công việc được đánh giá là “chưa từng có” – hơn 30 dự án luật, 7 nghị quyết cùng hàng loạt vấn đề hệ trọng như sửa đổi Hiến pháp, điều chỉnh chính sách tài khóa, tinh gọn bộ máy… kỳ họp lần này được xem là một dấu mốc lớn.
Nổi bật
Tổng Bí thư Tô Lâm: Phòng chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên, phải làm ngay
"Phải xác định phòng chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên, phải làm ngay; Ban Nội chính Trung ương và ngành nội chính Đảng phải hướng đến mục tiêu giữ vững ổn định để phát triển đất nước”. Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương vào ngày 22/5 vừa qua.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh: Đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, nâng cao hiệu lực quản lý và bảo vệ người tiêu dùng