Theo dõi trên

Đảm bảo các điều kiện cho năm học mới 2023 -2024

28/08/2023, 04:59

Năm học mới 2023-2024 cận kề, để đáp ứng các điều kiện cho năm học mới, phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Toàn Thắng xung quanh vấn đề này.

707671db-0603-48e7-b49e-4ecd2dbbf9b0.jpeg
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Toàn Thắng

Xin bà cho biết, tình hình cơ sở vật chất trường lớp để đảm bảo cho năm học mới 2023 - 2024, nhất là địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, hầu hết các cơ sở trường, lớp từ bậc mầm non đến giáo dục phổ thông đều được triển khai rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị để xác định nhu cầu đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây mới phục vụ nhu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Cụ thể, theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố (các chủ đầu tư công trình trường, lớp học), năm học mới 2023 – 2024 bậc giáo dục mầm non xây dựng được 134 phòng học/30 điểm trường; tiểu học xây dựng được 255 phòng học/66 điểm trường; THCS xây dựng 108 phòng học/28 trường; THPT nâng cấp sửa chữa 40 phòng học/3 trường. Về mua sắm trang thiết bị, kể từ năm 2022, giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí từ dự toán giao đầu năm cho UBND các huyện, thị xã, thành phố theo khả năng của ngân sách địa phương để thực hiện mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường học thực hiện Chương trình GDPT 2018. Theo các huyện báo cáo, năm 2023 kinh phí giao mua sắm trang thiết bị bình quân cho mỗi đơn vị khoảng 4 - 5 tỷ đồng, hiện nay các đơn vị đang triển khai mua sắm theo các quy định của pháp luật.

Đối với địa bàn vùng dân tộc thiểu số, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh phí phân bổ năm 2023 là 22 tỷ đồng (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương). Hiện nay các địa phương đang thực hiện các thủ tục mua sắm đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học. Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nói chung, phát triển giáo dục và đào tạo nói riêng.

Thưa bà, hiện nay tình trạng đội ngũ giáo viên ở một số cấp học đang thiếu, nhất là cấp tiểu học. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chung của ngành?. Vậy giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết, khắc phục tình trạng trên?

Năm học 2023 - 2024, bậc tiểu học có 6.123 giáo viên, thiếu 267 giáo viên so với quy định. Ngày 8/8/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn về việc rà soát tình hình biên chế giáo viên tiểu học tại các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp rà soát tình hình biên chế giáo viên cấp tiểu học năm học 2022 - 2023 và dự kiến phương án bố trí đội ngũ giáo viên cho năm học 2023 - 2024 và các năm học tiếp theo đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT năm 2018. Trên cơ sở số liệu báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên tiểu học và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch và kinh phí đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành làm việc với các cơ sở giáo dục có đủ chức năng, nhiệm vụ đào tạo trình độ cử nhân sư phạm, nhằm lựa chọn cơ sở giáo dục đáp ứng các điều kiện đào tạo tốt nhất để phối kết hợp tổ chức đào tạo cho con em tỉnh nhà.

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4 ngành giáo dục tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy bà có thể cho biết, một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp để thực hiện tốt chương trình giáo dục mới?

Chương trình GDPT 2018 mặc dù đã triển khai đến năm thứ 4, tuy nhiên một số khó khăn vẫn chưa thể giải quyết được cho đến thời điểm này (đây cũng là khó khăn chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước). Đó là việc đầu tư mua sắm trang, thiết bị tối thiểu để phục vụ cho việc dạy và học phải thực hiện đấu thầu, mất khá nhiều thời gian trong khi các cơ sở giáo dục không có chuyên môn về đấu thầu, mua sắm. Mặt khác, chưa có giáo viên được đào tạo căng cơ để giảng dạy các môn: khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học và sinh học), lịch sử và địa lý. Việc giáo viên được đào tạo đơn môn mà phải tham gia học lấy chứng chỉ đảm bảo đủ chuẩn để giảng dạy chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, về lâu dài chất lượng, hiệu quả không cao, mặt khác còn gây áp lực cho một số giáo viên, đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi. Khó khăn nữa, một số môn như hoạt động trải nghiệp, hướng nghiệp; nội dung giáo dục địa phương, âm nhạc, mỹ thuật hiện nay chưa có giáo viên cũng là khó khăn lớn trong việc triển khai xây dựng tổ hợp môn trong thực hiện chương trình GDPT 2018.

Tuy nhiên bằng sự nỗ lực, chung sức của toàn ngành, năm học 2023 – 2024 ngành giáo dục Bình Thuận quyết tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tăng cường giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Trong đó, các hoạt động giáo dục được tổ chức thực hiện linh hoạt trong và ngoài giờ lên lớp, trong và ngoài khuôn viên nhà trường. Tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường. Tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục đảm bảo phù hợp với từng đối tượng học sinh và điều kiện của từng cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong các cơ sở giáo dục trung học; tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục; chủ động tham mưu với UBND các cấp có chính sách huy động các nguồn lực xã hội hóa phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu của người học và phù hợp với điều kiện của địa phương...

THANH THUỶ


(2) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Bắc: Nâng cao chất lượng giáo dục từ công tác xã hội hóa
Huyện Hàm Thuận Bắc được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, trong đó nhiều trường học cấp THCS trên địa bàn huyện đã huy động được nhiều nguồn lực trong và ngoài tỉnh để chăm lo cho học sinh, mua sắm trang thiết bị dạy học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Nổi bật
Ẩm thực góp phần nâng tầm du lịch
Ẩm thực là một trong những yếu tố quan trọng góp phần “thành bại” cho ngành du lịch. Trong thời gian qua, nền ẩm thực đã góp phần nâng tầm du lịch Bình Thuận lên tầm cao mới. Phan Thiết đang chuẩn bị đưa vào hoạt động “phố ẩm thực” ở khu vực đường Nguyễn Tất Thành – Tuyên Quang – Thủ Khoa Huân là sự kiện đang được nhiều người mong đợi.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảm bảo các điều kiện cho năm học mới 2023 -2024