Từ điểm nóng chiến lược đến ngày vùng dậy giải phóng
La Gi là vùng đất cực Nam Trung bộ, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đây là một trong những vị trí xung yếu của vùng chiến lược quân sự giữa 2 khu vực miền Đông Nam bộ và các tỉnh khu V, là cửa ngõ của Sài Gòn, là trung tâm tỉnh Bình Tuy – nơi tập trung bộ máy đầu não của chính quyền Mỹ ngụy. Trong quá trình thực hiện các chiến lược chống phá cách mạng, chính quyền Mỹ ngụy đều đặt Bình Tuy nói chung và La Gi nói riêng là nơi thực hiện thí điểm, vì vậy, quân và dân La Gi luôn phải đối mặt với sự khủng bố, đánh phá quyết liệt của địch. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân La Gi phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, truyền thống “tự lực tự cường chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang” đã cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước không ngừng đấu tranh, đánh bại âm mưu của địch, từng bước giành thắng lợi, tiến lên giải phóng hoàn toàn quê hương. Sau Hiệp định Pari 1973, thực hiện đường lối chiến lược của Đảng và nhiệm vụ của Tỉnh ủy Bình Tuy đã xác định, quân và dân La Gi không ngừng củng cố thực lực cách mạng, tăng cường mở rộng hoạt động vũ trang, đẩy mạnh các phong trào quần chúng đấu tranh chính trị khiến địch lâm vào thế co cụm, bị động, góp phần cùng quân và dân trong tỉnh và cả nước, tạo thế và lực mới, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.

Hòa vào khí thế tiến công của quân và dân cả nước, trong những ngày tháng 4/1975, với phương châm: Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tiến lên giải phóng hoàn toàn quê hương, quân và dân La Gi được sự phối hợp hỗ trợ lực lượng của tỉnh, Trung ương với ý chí và quyết tâm cao nhất vùng lên giải phóng hoàn toàn quê hương thống nhất đất nước. Ngày 17 và ngày 18/4/1975 bộ đội địa phương cùng các đội công tác vũ trang đã giải phóng một vùng khá rộng từ cây số 26 đến 63 nối liền Phan Thiết – La Gi. Ngày 19/4 Phan Thiết được giải phóng đã tạo thêm thế và lực mới cho cuộc tiến công và nổi dậy ở Bình Tuy. Rạng sáng ngày 23/4/1975, ta làm chủ hoàn toàn các cơ quan đầu não của ngụy quyền và chính thức giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Tuy.
Chiến thắng ấy không chỉ mang ý nghĩa quân sự – chính trị, mà còn khẳng định sức mạnh của thế trận lòng dân. Đó là thành quả của sự hy sinh thầm lặng, của ý chí vượt lên mọi mất mát, để đổi lấy một ngày quê hương sạch bóng quân thù.

Vững bước trên hành trình mới
Chiến tranh kết thúc, La Gi đối mặt với một thách thức mới: Hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân và xây dựng lại quê hương. Những năm đầu sau giải phóng, dù còn nhiều khó khăn chồng chất, nhưng ý chí tự lực tự cường của người La Gi chưa bao giờ tắt. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã bắt tay vào xây dựng chính quyền, phát triển sản xuất, khôi phục hệ thống giáo dục, y tế, từng bước đưa địa phương đi lên từ gian khó.
Chủ tịch UBND thị xã La Gi Phạm Trọng Nhân chia sẻ: Với thời gian tròn nửa thế kỷ, kể từ ngày giải phóng quê hương (23/4/1975), thống nhất đất nước (30/4/1975), La Gi đã hòa mình cùng cả nước với khí thế tưng bừng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển (1975 - 2025). Trong đó, từ khi thị xã La Gi được chia tách từ huyện Hàm Tân và thành lập thị xã La Gi theo Nghị định số 114 ngày 5/9/2005 của Chính phủ đã qua 20 năm. Trong hành trình ấy, La Gi vừa tự hào với sứ mệnh xây dựng và phát triển, vừa đối diện với nhiều thách thức như hạn chế hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn lực chưa đồng đều, tiềm năng biển – đất – lao động chưa khai thác hết.
20 năm qua, thị xã La Gi đã không ngừng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu để không những xứng tầm là một đô thị Thương mại - Dịch vụ - Du lịch phía nam của tỉnh mà còn là địa bàn kinh tế trọng điểm của miền Đông Nam bộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thị xã và sự đóng góp, nhiệt huyết của nhân dân đã từng bước làm nên một diện mạo mới, giàu sức sống của địa phương. Nhờ đó, năm 2024, thị xã La Gi đã đạt một số chỉ tiêu nổi bật, cụ thể, tổng thu ngân sách 407,224 tỷ đồng, đạt 213,2% dự toán giao, cao nhất từ trước đến nay của thị xã, góp phần bổ sung nguồn lực đầu tư công, trong đó vốn đầu tư công thị xã cao hơn so với nguồn vốn của tỉnh, từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị và dẫn dắt đầu tư tư. Giá trị sản xuất công nghiệp 1,831 tỷ đồng, đạt 105,16%; kim ngạch xuất khẩu 189,319 tỷ đồng, đạt 124,07%...
Kỷ niệm 20 năm thành lập thị xã La Gi (5/9/2005 - 5/9/2025) cũng là dấu mốc ấn tượng trên chặng đường sau 50 năm ngày giải phóng miền Nam, giải phóng quê hương La Gi mở ra trang sử mới, hòa bình và phát triển. Diện mạo mới của thị xã La Gi ngày nay với hành trang là hệ thống quy hoạch hoàn chỉnh làm cơ sở quản lý và thu hút đầu tư phát triển đã khẳng định sự thành công của tinh thần, ý chí nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo và quyết sách đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế. La Gi hôm nay – một đô thị biển trẻ trung, năng động và tràn đầy khát vọng phát triển – đang vững bước trên hành trình mới. Hành trình ấy tiếp nối một nửa thế kỷ đã qua, được hun đúc từ quá khứ hào hùng, hiện tại bền vững và tương lai đầy hy vọng.