Theo dõi trên

Đảm bảo tính thực tế, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật

26/05/2016, 08:01

BT - Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) gồm có 17 chương, 173 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016. Luật này ra đời nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, đồng thời đảm bảo cụ thể hóa kịp thời nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013, với mục đích tạo khuôn khổ pháp lý về xây dựng và thi hành pháp luật nhằm xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, phục vụ đắc lực cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Có thể nói, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được của công tác xây dựng VBQPPL, thực tế cho thấy chất lượng ban hành VBQPPL ở một số địa phương trong tỉnh còn hạn chế. Tính cụ thể trong nhiều văn bản còn thấp, tính khả thi của một số quy định còn bất cập, hệ thống VBQPPL trên một số lĩnh vực thiếu tính ổn định, tính dự báo chưa cao. Công tác phối hợp giữa một số sở ngành, địa phương trong việc soạn thảo, kiểm tra, xử lý và rà soát hệ thống hóa VBQPPL chưa chặt chẽ. Việc áp dụng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở một số nơi còn lúng túng, vướng mắc; thủ tục thẩm quyền áp dụng điều luật xử lý vi phạm pháp luật một số nơi còn sai sót…

Trong quá trình hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, VBQPPL luôn đóng vai trò quan trọng, không chỉ là công cụ để triển khai đưa pháp luật vào đời sống thực tế, mà còn là công cụ để tổ chức các hoạt động cụ thể của các cơ quan nhà nước. Nếu chất lượng ban hành VBQPPL đảm bảo thì sẽ nâng cao được chất lượng công việc của các cơ quan và hoạt động quản lý nhà nước sẽ có điều kiện để nâng cao hiệu quả. Ngược lại, khi chất lượng của các văn bản thấp thì không chỉ hoạt động của các cơ quan gặp khó khăn mà còn ảnh hưởng đến nhiều mặt khác nhau của đời sống xã hội, thậm chí để lại nhiều hậu quả khó khắc phục.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Luật ban hành VBQPPL có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, cấp ủy các cấp, các cơ quan tư pháp tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức phù hợp, tiếp tục quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo được sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận của nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; tăng cường trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp và các cơ quan tư pháp trong tổ chức thi hành pháp luật; gắn công tác thi hành pháp luật với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Bằng các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng VBQPPL của HĐND, UBND các cấp, nhất là cấp tỉnh. Đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL từ khâu lập đề nghị xây dựng VBQPPL, chủ trì, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, trình dự án, dự thảo đến ban hành VBQPPL. Trong đó, quy định cụ thể mối quan hệ về trách nhiệm giữa các chủ thể trong từng quy trình và nội dung chịu trách nhiệm. Trong trường hợp dự thảo VBQPPL không đảm bảo về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của VBQPPL thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản trong phạm vi quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy mức độ mà xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định của pháp luật liên quan.

Quy định và thực hiện cơ chế giám sát ban hành văn bản cần cụ thể, rõ ràng để bảo đảm không trái luật. Những người chịu tác động của văn bản, các cơ quan cấp dưới liên quan phải được tham gia vào quá trình thẩm định các văn bản, chính sách mà nếu áp dụng vào thực tế sẽ liên quan đến họ hoặc đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân để đảm bảo tính thực tế và  khả thi. Đồng thời cần có cách làm cụ thể để tăng cường mạnh mẽ sự phản hồi từ phía người sử dụng văn bản, tạo điều kiện để người dân thể hiện nguyện vọng của mình và cơ quan có liên quan phải có trách nhiệm giải trình cụ thể. Điều này sẽ làm cho cơ quan ban hành văn bản chịu trách nhiệm thực tế hơn trong công việc của mình trước nhân dân.

HỒNG LÊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảm bảo tính thực tế, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật