Theo dõi trên

Đam mê xóm nhỏ…

15/12/2023, 05:34

Miệt quê dạo này xôm hơn bởi những quán cà phê hát với nhau. Hễ trời vừa kéo rèm đen một cái là người ta váy áo thướt tha, quần tây sơ mi cà vạt cưỡi xe tấp vào quán đông đen.

Cũng chỉ là ly cà phê đen đá hay cà phê sữa đá bình thường, nghĩa là chất lượng vẫn như xưa (cà phê trộn bắp rang bao nhiêu phần trăm chẳng rõ), nhưng người ta đến quán đâu phải để uống cà phê, cái chính là để hát kìa. Nên hút khách. Nên trở thành thú vui mới ở miệt quê này.

word-image-92-3.jpg

Cũng sân khấu trang trí đèn nhấp nháy đủ màu sắc. Cũng nhạc sống đàng hoàng. Hát xong cũng có người tặng bông nữa nhen. Thôi thì đủ thể loại nhạc, đủ chất lượng “ca sĩ”. Có giọng ca vàng cũng có giọng ca đồng, bạc. Được cái “ca sĩ” nào cũng tự tin lắm, hát hết mình. Có người còn cháy hết mình, nhảy nhót không thua gì ca sĩ chuyên nghiệp.

Thành ra miệt quê nghèo cứ chừng bảy giờ tối là xập xình nhạc. Mà không phải một quán, năm bảy quán thi nhau, nào là “anh còn nợ em”, “trên sân ga chiều”, “vùng lá me bay thương kỷ niệm hai đứa mình”… Khổ cái quán xá chỉ tập trung ở một đoạn đường trung tâm đó, chừng năm trăm mét mà bốn cái quán cà phê hát với nhau, chưa kể những thùng loa kẹo kéo của nhà dân phục vụ cho mấy anh lai rai buổi chiều nổi hứng âm nhạc, thành ra cái xóm nhỏ xôm còn hơn hội lô tô. Chỉ thương “khán giả bất đắc dĩ” phải cùng một lúc nhét vào tai bao nhiêu là bản nhạc, còn phong phú hơn chè thập cẩm nữa. Có người chỉ biết lắc đầu đóng kín hết cửa cho bớt ồn. Có người thì đành mua đồ nhét lỗ tai tự cứu mình trước khi trời cứu. Khổ nỗi có quán còn sung hò hát tới nửa đêm. Dân quê chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Cũng lối xóm với nhau. Chủ quán cũng quen nhẵn mặt, ca sĩ cũng gặp hàng ngày, biết nói sao cho đẹp lòng anh vừa lòng tôi bây giờ. Sợ nóng quá mất khôn, lời qua tiếng lại lỡ có chuyện gì thì lại mệt nữa. Thành ra cư dân xóm nhỏ chỉ biết bấm bụng bảo nhau ráng chịu đựng.

Sau chẳng hiểu do nguyên nhân gì, có thể do chủ quán tự ý thức đang làm phiền xóm giềng (cái này phần trăm rất thấp), hoặc là ai đó kiện cáo ra xã nên chính quyền làm việc quán triệt giờ giấc (khả năng rất cao) nên tất cả các quán cà phê hát với nhau đều đồng loạt đóng cửa lúc mười giờ đêm. Dĩ nhiên là trong sự tiếc nuối của những “ca sĩ” lỡ đăng ký xếp hàng chờ đến lượt mà lại hết mất cha nó thời gian. Nên dần quán đề ra luật rằng ai muốn phô diễn giọng hát oanh vàng thì phải đăng ký, mà chỉ nhận mười lăm lượt đăng ký thôi nhen, thành ra ai cũng tranh thủ đi sớm để đăng ký. Thành ra giờ giấc nhiều khi cũng thay đổi nhen, có khi sáu rưỡi đã “sao em nỡ đành quên…” rồi.

Không có gì “bất khuất” như tinh thần yêu âm nhạc của miệt quê này. Thiệt. Ca sĩ luyện giọng bất kể sáng, trưa, tối, bất kể đầu tuần hay cuối tuần. Hễ thích giờ nào thì mình nổi nhạc lên em thôi. Có khi hát từ trưa tới tối khuya. Xóm nghèo chứ nhà nào cũng có một cái loa kẹo kéo hết. Nghèo gì thì nghèo, không thể nghèo tinh thần được! Thành ra mới có chuyện dở khóc dở cười: nhà bên đây đám tang mặt mày rầu rĩ mà cách cái ruộng thanh long nhà bên kia ăn nhậu ca hát đến hai giờ sáng. Cũng bực lắm mà đang đám tang đành nhịn cho yên xóm yên làng.

Đôi khi tôi nghĩ nếu mà phát động cuộc thi đại loại kiểu giọng ca miệt quê thì chắc chắn xóm tôi sẽ giật giải xóm có thí sinh đăng ký thi nhiều nhất. Người ta chẳng nói “hát hay không bằng hay hát” là gì. Kệ, thái độ hơn trình độ. Cứ phải xôm như vậy mới được. Mà, đứng trước tinh thần yêu âm nhạc của xóm, ai lại nỡ lòng phàn nàn, lên án cho được cơ chứ. Cuộc sống là phải vui vẻ, chồng tôi bảo thế. Ừ, nên mình không biết hát, mình lại không được yêu âm nhạc thì kệ mình nhé. Đa số tất phải thắng thiểu số. Đành chịu. Có khi nghe hát cả đời biết đâu lại có một ngày mình thích âm nhạc thì sao.

Tôi cứ thắc mắc hoài có phải do có mấy quán cà phê hát với nhau nên dân trong xóm tích cực luyện giọng để tối đến thi thố, hay là do xứ này yêu âm nhạc quá nên người ta mới mở ra cà phê hát với nhau? Tôi tìm câu trả lời hoài mà chẳng thể tìm ra được. Trong khi đó, dân xứ tôi cứ nườm nượp quần là áo lượt kéo nhau vào uống cà phê hát với nhau, đến nỗi quán nào quán nấy quá tải. Và, tôi thấy đang có hai mặt bằng sửa sang lại hình như mở quán cà phê tiếp thì phải. Có cầu thì phải có cung, sự đời vốn lẽ vậy. Chỉ thương dân xóm lại phải thêm nguyên liệu mới vào món chè thập cẩm. Ơ, mà có khi trong xóm này chỉ mình tôi không yêu âm nhạc không chừng vì tôi thấy nhà nhà, người người đang tích cực luyện giọng lắm, cứ như thể đang sắp có một đợt tổng động viên hát với nhau thì phải!

PHƯƠNG TRÚC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Xây dựng, phát triển văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động
Đời sống văn hóa tinh thần có vai trò quan trọng trong việc tạo động lực làm việc, khơi dậy sức sáng tạo trong đoàn viên, người lao động (NLĐ). Xác định rõ điều đó, thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút đông đảo NLĐ tham gia.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đam mê xóm nhỏ…