Có mặt tại đập Tà Mon vào những ngày cuối tháng 3, trước mắt chúng tôi là hàng chục nông dân đang cố gắng dẫn ống lấy nước từ những ao nước còn sót lại về vườn thanh long của mình. Đường ống dẫn nước chằng chịt quanh đập, người thì khơi thông dòng nước, người nối dây bơm nước, cố gắng tận dụng những giọt nước cuối cùng cho vườn thanh long của mình. Có 1.500 trụ thanh long cách đập khoảng 2 km, ông Phạm Ngọc Ánh (thôn Tà Mon) đang nỗ lực nối ống bơm nước về vườn thanh long hy vọng “còn nước còn tát”. Ông Ánh cho biết: “Tôi đã khoan giếng sâu hơn 100m mà vẫn không có nước. Vườn thanh long của gia đình đều dựa vào nguồn nước đập, thế mà mới tháng 3 đã cạn đáy”. Cách đó không xa, anh Nguyễn Văn Hòa cũng đang hì hục khơi thông dòng chảy để “cứu” 600 trụ thanh long đang cho trái chín, “nhưng tình hình nước trong đập thế này chừng vài ngày nữa sẽ không còn gì để bơm. Đến lúc ấy, buộc phải mua nước tưới để cứu lứa thanh long đang chín. Tuy nhiên nếu mua nước tưới thì không còn lời”, anh Hòa lo lắng cho biết.
Giải thích nguyên nhân nước trong đập cạn sớm hơn mọi năm, nhiều nông dân cho biết, nếu cuối năm 2017, chính quyền địa phương không cho xả lũ sớm phòng ngừa cơn bão cuối năm, thì nước trong đập sẽ còn dồi dào. Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Lộc - Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: “Việc xả lũ là phòng ngừa chuyện vỡ đập, và xả hay không đều có chỉ đạo của cấp trên, địa phương không thể tự quyết. Một trong những nguyên nhân chính khiến đập Tà Mon cạn nước sớm một phần do các khu rừng đầu nguồn đã biến thành các vườn thanh long. Diện tích thanh long bùng phát trong những năm gần đây dẫn đến thiếu nước tưới là điều khó tránh khỏi”. Hơn 300 ha thanh long dựa vào nguồn nước từ đập Tà Mon không biết có cầm cự được cho đến mùa mưa.
Để giải quyết tình trạng thiếu nước hiện nay, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết thêm: “Khi kênh tiếp nước từ hồ Tân Lập về đập Tà Mon hoàn tất thì người dân trong khu vực sẽ không lo thiếu nước tưới. Đoạn kênh này dài 19,3 km, nhưng hiện còn 7 km chưa thi công được vì vướng giải tỏa đền bù do còn 1 hộ không đồng ý. Chúng tôi đang vận động và hy vọng tuyến kênh này sớm hoàn thành để dẫn nước về đập Tà Mon. Ngoài ra, còn có một dự án khác dẫn nước từ sông La Ngà về đập Tà Mon. Chính quyền địa phương đã khảo sát nguồn vốn và đang chờ chủ trương của tỉnh. Trước mắt, nhằm tiết kiệm nước tưới trong mùa khô, bà con cần hạn chế thực hiện các biện pháp thâm canh cây thanh long ra hoa trái vụ như chong đèn, chấm thuốc… Đối với những lứa thanh long đang ra trái thì ưu tiên nước, riêng những diện tích còn lại chỉ cần ủ rơm dày để cầm cự đến mùa mưa”.
M.Vân - N.Chinh