Đa dạng đề tài
Về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm lợi thế của tỉnh, Sở KH&CN đặt hàng: “Điều tra, khảo sát và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao trình độ, năng lực công nghệ của doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm: chế biến thủy hải sản, chế biến và bảo quản thanh long, sản xuất tôm giống trên địa bàn Bình Thuận”. Các tổ chức, cá nhân thực hiện cần nêu bộ giải pháp nâng cao trình độ, năng lực công nghệ của doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm: chế biến thủy hải sản, chế biến và bảo quản thanh long, sản xuất tôm giống tăng 12% so với trước thời điểm triển khai. Phần mềm để đánh giá trình độ, năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tương tự, lĩnh vực phát triển kinh tế, tiềm năng du lịch có các đề tài gợi mở: “Nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn tỉnh Bình Thuận”. “Đánh giá giá trị đặc sắc về đa dạng sinh học, điều kiện tự nhiên khu vực suối nước nóng Bưng Thị ở Khu Bảo tồn núi Tà Cú, huyện Hàm Thuận Nam phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái”. “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu Chứng nhận cho sản phẩm mực một nắng tại tỉnh Bình Thuận”. “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất đồ uống và thực phẩm chống lão hóa giàu calcium từ quả thanh long tại tỉnh Bình Thuận”.
Phát triển kinh tế đêm, du lịch
“Theo đó, hướng đề tài mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp lợi thế, điều kiện thực tiễn của Bình Thuận. Sơ đồ mô phỏng bố trí khu vực kinh tế đêm tại những địa điểm lựa chọn xây dựng mô hình kinh tế ban đêm. Danh mục các sản phẩm, loại hình hoạt động, dịch vụ vui chơi, giải trí cụ thể, phù hợp với lợi thế, điều kiện thực tế của tỉnh. Tour, tuyến, điểm, khu du lịch có thể khai thác, cung cấp các sản phẩm du lịch về đêm. Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác mô hình kinh tế ban đêm: Ban hành khung hướng dẫn về vận hành, phối hợp, quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm để tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có tham gia kinh tế ban đêm thực hiện; xây dựng quy chế quản lý, nội quy tại các khu vực, điểm tham quan phục vụ kinh tế ban đêm; xây dựng các mô hình liên kết giữa cơ quan quản lý với các đơn vị, cá nhân kinh doanh”, ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho hay.
Trong khi đề tài tiềm năng suối nước nóng Bưng Thị, các cá nhân, tổ chức thực hiện cần khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học ở cấp độ loài và hệ sinh thái ở khu vực suối nước nóng Bưng Thị. Xác định những giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học (loài quý, hiếm, đặc hữu, loài có giá trị kinh tế...), điều kiện tự nhiên (địa chất, cảnh quan) khu vực suối nước nóng này. Đề tài đề xuất quy hoạch phát triển du lịch sinh thái kết hợp các giải pháp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên (đa dạng sinh học, địa chất, cảnh quan) khu vực. Với mực một nắng, đề tài xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mực một nắng tại Bình Thuận trở thành thương hiệu mạnh, nổi tiếng thông qua việc quản lý, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận nhằm duy trì danh tiếng sản phẩm, nâng cao giá trị thương phẩm, mang lại uy tín, lợi ích kinh tế thiết thực cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh các sản phẩm...
Bên cạnh còn có đề tài “Nghiên cứu điều tra thu thập các giống cây dược liệu, đề xuất phương án bảo tồn, phát triển cây dược liệu tại Bình Thuận”. Hướng đề tài xác định tập đoàn cây dược liệu tại Bình Thuận. Định danh chính xác tên khoa học, tên dân gian, dược tính, công dụng. Đề xuất phương án bảo tồn, phát triển các giống cây dược liệu, đặc biệt là các giống quý trên địa bàn tỉnh. Xây dựng bản đồ cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, tên dân gian, dược tính, công dụng, hình ảnh, bản vẽ mô tả. Phương án bảo tồn, phát triển các giống cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Các cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia tuyển chọn thấy cần thiết bổ sung làm tăng tính thuyết phục của hồ sơ hoặc đơn vị quản lý cần làm rõ thông tin trong quá trình tuyển chọn, thẩm định đề tài, liên hệ Sở Khoa học & Công nghệ Bình Thuận (qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp). Thời gian nhận hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn đề tài chậm nhất đến 17 giờ ngày 25/10/2023.