Theo dõi trên

Nguồn sống mới cho đồng bào vùng cao

06/09/2023, 06:07

Sau những cơn mưa, con đường vào Mỹ Thạnh xanh mát, dịu nhẹ từ sự vươn mình xanh ươm của bên cánh rừng già san sát. Có lẽ, Mỹ Thạnh không dừng lại ở đó, đồng bào dân tộc thiểu số hôm nay bằng chính sự cần cù lại chính là điểm sáng trong thăm thẳm sâu núi rừng Mỹ Thạnh…

Từng bước thay đổi

Mùa này, sau những cơn mưa, ở Mỹ Thạnh, con đường độc đạo dẫn vào xã cũng chứng kiến nhiều tốp người đi săn măng rừng, tiếng cười nói, gọi nhau vang vọng… Cách đây hơn 20 năm khi bắt đầu bước chân vào nghề, phải nói khi nhắc đến Mỹ Thạnh ít nhất là nhắc đến cung đường để được vào trung tâm xã trải qua những đoạn suối với nước chảy, có thể cuốn theo cả xe máy và người, mỗi khi nước nguồn đổ về.

dsc05054.jpg
Bình yên Mỹ Thạnh

Mỹ Thạnh thời điểm ấy rất khó khăn. Khó khăn nhất trong các xã lân cận như Hàm Thạnh, Hàm Cần. Mỹ Thạnh heo hút trong tận cùng của cánh rừng. Nhưng Mỹ Thạnh đã từng bước thay đổi. Thay đổi hôm nay gắn liền với những chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, khoác cho Mỹ Thạnh chiếc áo tươi mới hơn, thành một điểm sáng cần thiết.

Vào Mỹ Thạnh bây giờ chẳng còn phải lội suối, mà đi qua cây cầu bê tông vững chãi, bằng con đường nhựa phẳng lỳ đến tận nơi. Mỹ Thạnh có một chút may mắn, khi có nhiều chương trình, hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời đã giúp cho người nghèo giảm bớt khó khăn, từ đó tạo điều kiện tìm kiếm được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Một trong những thời điểm khó khăn nhất, khi hai đợt dịch đi qua, khi mọi người dân đặc biệt vùng dân tộc thiểu số còn loay hoay với việc ổn định cuộc sống thì dự án hỗ trợ nuôi bò cái sinh sản ra đời cũng nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, như chiếc chìa khóa giúp đồng bào vững tin hơn.

dsc05039.jpg
Nụ cười đồng bào Rai 
dsc05033.jpg

Đàn bò “mục tiêu”

dsc05032.jpg
Những chú bò "mục tiêu" được chăn dắt hàng ngày như tài sản của người nghèo

37 hộ dân tộc được hỗ trợ, trong đó 10 con bò cái sinh sản cho 10 hộ nghèo trên địa bàn xã với nguồn vốn 185 triệu đồng do UBND xã làm chủ đầu tư. Phòng Nông nghiệp &PTNT làm chủ đầu tư với nguồn vốn là 391 triệu đồng hỗ trợ 22 con và Phòng Lao động làm chủ đầu tư nguồn vốn 80 triệu đồng hỗ trợ 5 con bò. Tính đến thời điểm hiện tại số bò cái vẫn được các hộ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt và chờ ngày cho lứa sinh sản đầu tiên.

Căn nhà cửa nhỏ bằng những thanh nứa đan, xiêu vẹo nằm sát đường của anh Hoàng Văn Trọng (thôn 2, Mỹ Thạnh). Mấy năm nay gia đình cũng sống nhờ vào rẫy bắp, nhưng cũng bấp bênh, mùa được mùa mất. Anh Trọng nhớ lại: Khi được chính quyền địa phương hỗ trợ bò sinh sản, vợ chồng tôi mừng lắm”. Từ lúc nhận bò đến nay đã gần một năm, mừng vì nó khỏe mạnh, không có bệnh tật, mau lớn. Vợ chồng tôi rất cảm ơn vì chính quyền đã hỗ trợ cho gia đình trong lúc khó khăn nhất, có thêm động lực để làm ăn nuôi con ăn học”.

dsc05021.jpg

Hộ chị Nguyễn Thị Lài, là một trong những hộ được tham gia dự án. Không có đất sản xuất, gia đình cũng loay hoay trong sự nghèo khó. “Mới đó gần một năm rồi, nó vẫn khỏe mạnh và em chăm kỹ lắm. Mùa nắng không có cỏ thì đi xa hơn, mưa thì dễ hơn chút. Không chỉ dắt đi thả, phải canh giữ vì sợ phá ruộng của người ta, phần vì mong chờ đến lứa sinh sản sắp tới” – chị Lài cho hay. Hàng ngày mưa nắng gì chị cũng dắt bò đi thả, chăm chút cho “mục tiêu” của gia đình, đợi đến ngày đón chờ thêm “thành viên” mới.

Mỹ Thạnh bây giờ thuận lợi hơn, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh được quan tâm đầu tư từng bước được cải thiện với nhiều chính sách phù hợp hơn giúp cho người nghèo an tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Theo cán bộ xã phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo, kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022, đầu năm 2023: Hộ nghèo 171 hộ/549 khẩu chiếm 66,02%. Hộ cận nghèo 29 hộ/103 khẩu chiếm 11,19%. Hộ thoát nghèo là 14 hộ/51 khẩu. Hộ nghèo, cận nghèo phần lớn thuộc đối tượng dân tộc thiểu số, nguyên nhân nghèo chủ yếu thiếu hụt các dịch vụ cơ bản phần lớn là về việc làm, tỷ lệ người phụ thuộc, chất lượng nhà ở, nhà vệ sinh và một số các dịch vụ cơ bản khác.

dsc05066.jpg
Đường vào Mỹ Thạnh đã bê tông hóa đến tận xã

Niềm tin thoát nghèo

Với mục tiêu của Mỹ Thạnh, năm 2023 sẽ hoàn thành 23 hộ thoát nghèo, dù chưa nhận hỗ trợ từ các chương trình phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Đây cũng mới thật sự là sức mạnh ẩn chứa trong tiềm lực của đồng bào dân tộc thiểu số.

dsc05048.jpg
Anh Hoàng Văn Trọng chăm chút hàng ngày cho "nguồn vốn" thoát nghèo
dsc05062.jpg
dsc05050.jpg
dsc05051.jpg
dsc05042.jpg

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh, ông Hoàng Ngọc Tưởng, chia sẻ về dự án này: “Đây là dự án có ý nghĩa đối với bà con vì đã tạo điều kiện việc làm ổn định, từng bước vượt lên mức sống tối thiểu, giúp gia đình giảm nghèo bền vững. Việc hỗ trợ bò còn giúp bà con có ý thức chủ động trong việc chăn nuôi, nâng cao trình độ, từng bước làm chủ việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Mặc dù, chưa tròn một năm, và phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng dự án đã hỗ trợ bà con khắc phục nhiều khó khăn để giữ “nguồn vốn”, chăm sóc tốt từng ngày. Quá trình đó, chính quyền địa phương cũng theo dõi giám sát và hỗ trợ kịp thời cho bà con khi cần thiết để bà con vững lòng tin trong việc thực hiện dự án để tập trung chăn nuôi, phát triển kinh tế từ đó có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo”. Muốn Mỹ Thạnh trở thành điểm sáng trong thoát nghèo, nơi ấy vẫn cần lắm nguồn lực từ vốn Trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ. Mỹ Thạnh lại là địa phương chuyên sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ cho nên việc phát triển kinh tế còn khó khăn. Điều quan trọng hơn, để Mỹ Thạnh trở thành điểm sáng cần thiết tạo điều kiện cho hộ nghèo được học nghề, vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn cách làm ăn, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Họ những con người của núi rừng, được tiếp cận tốt hơn nữa các chính sách xã hội, các chương trình, dự án về giảm nghèo, bảo đảm giảm nghèo và bền vững hơn trong tương lai.

QUANG NHÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tánh Linh: Đưa vào sử dụng nhiều phòng học mới
Là huyện miền núi, địa bàn trải rộng khắp nơi, không ít cơ sở trường, lớp học được xây dựng từ lâu ở huyện Tánh Linh không khỏi xuống cấp, trước ảnh hưởng mưa lũ, gió lốc trong những năm gần đây. Do vậy, UBND huyện Tánh Linh đã chú trọng đầu tư, tranh thủ các nguồn vốn khác nhau, xây dựng, sửa chữa nhiều hạng mục lớp học từ trường mẫu giáo đến trung học cơ sở, đảm bảo cho các em có chỗ học ổn định đầu năm học mới.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguồn sống mới cho đồng bào vùng cao