Nội dung của đặc san gồm có Lời ngỏ của Ban Biên tập, 2 bài trả lời phỏng vấn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An và của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong, 52 bài viết, cùng rất nhiều hình ảnh. Đặc san gồm 120 trang, khổ 24,5 x 29 cm.
2. Lần mở tập đặc san, tôi được tiếp cận với rất nhiều thông tin, cô đúc có, chi tiết có, về hoạt động của hầu hết các lĩnh vực, ngành, đoàn thể, địa phương tỉnh ta trong 30 năm qua mà trước đây, có nội dung tôi chưa có điều kiện biết được.
Về nội dung của đặc san
Bài trả lời của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đối với phóng viên của báo rất phong phú về nội dung, đề cập đến nhiều vấn đề; trong đó có thủy lợi, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch và các lĩnh vực khác, cùng tập trung vào 4 nhóm giải pháp để Bình Thuận tiếp tục phát triển toàn diện về mọi mặt thời gian tới.
Với bài trả lời phỏng vấn của phóng viên báo, đồng chí Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rất nhiều nội dung, trong đó có phần cụ thể 6 nhiệm vụ trọng tâm, cùng những giải pháp thu hút đầu tư để Bình Thuận tiếp tục đi lên trên chặng đường mới.
52 bài viết khác bao quát các lĩnh vực, ngành, đoàn thể, những địa phương đã làm trong 30 năm qua, là những minh chứng sống động cho hoạt động của cán bộ, nhân dân trong tỉnh, làm rõ thêm cho một toàn cảnh Bình Thuận với những con người chịu khó, sáng tạo trong lao động, kế thừa những bước đi trước của cha ông, và phát triển cho phù hợp với ngày nay.
Đọc bài “Khi dân cùng Đảng một lòng lo việc… nước” của tác giả Bảo Ngân, tôi rất xúc động khi đọc được những dòng: “Thăm và làm việc với tỉnh Bình Thuận vào năm 1993… Tổng Bí thư Đỗ Mười đã chỉ rõ: Để dân đói là lỗi của lãnh đạo. Phải tìm cách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Với Bình Thuận, phải tập trung làm thủy lợi để lo nước cho sản xuất…”. Tôi cũng thật bất ngờ xen lẫn mừng vui khi biết được rằng: “Công trình Trạm bơm Lê Hồng Phong ở huyện Bắc Bình cũng khá đặc biệt khi đẩy nước lên độ cao 150m, cung cấp nước cho một vùng rộng lớn khô cằn của xã Hồng Phong, Hòa Thắng…”. Với cả: “Ý Đảng được lòng dân đồng thuận, tạo ra sức mạnh, đưa nước tưới đến khắp nơi”, để Bình Thuận ngày nay, “ngoài hệ thống sông hồ, còn có hệ thống kênh với tổng chiều dài trên 1.800 km”. Những người dân ở Bình Thuận thật sự biết ơn Đảng, Nhà nước khi có nước về. Bao lợi ích mà bà con nông dân có được, đã làm thay đổi cuộc sống của bà con.
Với tác phẩm: Khu Lê “bừng sáng”, tác giả Bích Nghĩa đã giúp cho người đọc biết được một Khu Lê anh hùng trong kháng chiến, nay đã là một vùng đất nhiều đổi mới, là nơi hội tụ 3 trụ cột kinh tế với những dự án điện mặt trời, điện gió đã và đang triển khai, thu hút được nhiều dự án du lịch, cùng nhiều dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với bài “Du lịch Bình Thuận: Vươn lên với những “điểm sáng” nổi bật”, tác giả Tín Quốc đã giúp cho người đọc biết được Bình Thuận đã thu hút dự án đầu tư, phát triển ngành du lịch, không chỉ tập trung tại Phan Thiết, mà còn trải dài từ Tuy Phong, Bắc Bình đến Hàm Thuận Nam, La Gi, Hàm Tân. Tỉnh ta cũng đã mời gọi được một số nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính để triển khai những dự án “điểm nhấn”… Tác giả Minh Vân, trong bài viết “Tuy Phong, sức bật của vùng đất đầy nắng gió” đã giúp độc giả có những thông tin hữu ích về vùng đất này, nay đã trở thành trung tâm năng lượng quốc gia. Với tác giả Kim Anh, thành phố Phan Thiết đã có “Bước chuyển mình và khát vọng bứt phá” trong đó có “Điểm đột phá là kết cấu hạ tầng mang dáng dấp của đô thị loại I, diện mạo thành phố ngày càng khởi sắc, khang trang. Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển đã tạo nên sự thay đổi toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội”.
Giao thông cũng là một trong những đề tài được các tác giả đầu tư công sức tìm hiểu, đi thực tế, hình thành nên những tác phẩm: “Tuyến đường Hòa Thắng – Hòa Phú: Phát huy tiềm năng thế mạnh về biển” (Hoàng Nga), “Tuyến đường thể hiện tầm nhìn” (Đình Hòa), “Giao thông mở lối cho nhiều ngành nghề”(Trần Thi).
Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã được tỉnh ta triển khai chu đáo, đầy đủ, kịp thời trong 30 năm qua, thể hiện qua bài viết: “Tri ân bằng hành động ý nghĩa, thiết thực” của tác giả Trâm Anh. Trong bài, còn đề cập hoạt động nổi bật là: “Phong trào nhận phụng dưỡng, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng, cha mẹ liệt sĩ neo đơn, được nhiều cá nhân, nhiều cơ quan hưởng ứng mạnh mẽ”. “Tỉnh ta còn chú trọng công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”…
Bài viết “Hiệu quả từ các chương trình, chính sách dân tộc” của tác giả Cát Tường giúp độc giả nhớ về Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Cùng với rất nhiều bài viết của các tác giả khác, viết về nhiều lĩnh vực hoạt động của các ngành, các địa phương, góp phần làm phong phú hơn bức tranh toàn cảnh về Bình Thuận, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người con quê hương qua những việc làm cụ thể, sáng tạo, làm cho diện mạo Bình Thuận ngày một thay da đổi thịt, tươi đẹp, trù phú, đáng yêu hơn.
Về hình thức của đặc san
Đặc san được trình bày trang nhã. Đặc san có 117 trang có nội dung bài thì hầu như tất cả các trang ấy đều có hình ảnh. Đặc san có rất nhiều bức ảnh minh họa cho bài viết, với đầy màu sắc, rực rỡ, sinh động. Ảnh của đặc san rõ đến từng chi tiết, dù có những bức chụp toàn cảnh, không gian rộng. Có rất nhiều ảnh của tác giả Ngọc Lân, cùng ảnh của những tác giả khác. Giấy in đặc san rất dày, láng, chữ in rõ, độc giả rất dễ đọc, dễ lưu trữ lâu dài.
3. Là một người con của quê hương Bình Thuận, tôi luôn muốn tìm đọc những tư liệu về quê mình. Đặc san “Bình Thuận – Tiềm năng, thành tựu và triển vọng phát triển” đã góp phần làm phong phú thêm những tư liệu về Bình Thuận trong tủ sách gia đình của chúng tôi. Đọc đặc san kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh của báo Bình Thuận cho tôi có những thông tin thật sự hữu ích về quê hương. Có khá nhiều bài trong đặc san đã để lại những dấu ấn trong tôi. Có điều hơi tiếc là, độc giả chưa có dịp đọc được những bài viết về các lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Đặc san là kết quả của những tâm huyết, công sức không hề nhỏ của tập thể phóng viên, biên tập viên, nhân viên của báo Bình Thuận, ra mắt độc giả dịp tỉnh Bình Thuận chúng ta kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh. Mong rằng đặc san có điều kiện được phát hành rộng hơn đến với nhiều độc giả trong và ngoài tỉnh, để nhiều người biết thêm về những thành quả mà cán bộ, nhân dân tỉnh nhà đã làm được trong 3 thập niên qua.