Không cầu kỳ, không có tiếng nhạc vui tai như những chiếc lồng đèn điện tử ngoại nhập, nhưng những chiếc lồng đèn truyền thống này luôn mang lại cho người chơi, người ngắm về ký ức của một mùa trung thu ấm áp, đầy tiếng cười trẻ thơ với câu hát: Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh muôn màu. Để có chiếc lồng đèn đẹp, theo bà Lan thì không hề đơn giản. Người làm phải thật tỉ mỉ, khéo léo và tất cả các công đoạn đều làm bằng tay. Tre vót không mỏng cũng không dày mới cho ra được những khung đèn đẹp, kế đến là công đoạn đan khung, dán giấy kiếng, dán hoặc vẽ hoa văn trang trí. Chiếc đèn đẹp đòi hỏi người thợ phải có tính thẩm mỹ cao.
Ngày nay, dù có sự cạnh tranh gay gắt của những chiếc lồng đèn nhựa nhập từ Trung Quốc, với nhiều mẫu mã phong phú, có nhạc nhưng người dân địa phương vẫn không quay lưng với lồng đèn truyền thống. Thế nên cứ mỗi độ trung thu đến, trong lòng bà nôn nao muốn làm lồng đèn. Cái nghề đã ăn sâu vào trong khiến bà không thể bỏ. Và với bà, người làm lồng đèn truyền thống, không chỉ là đơn thuần là làm đèn, mà ở nơi ấy, bà gửi gắm nhiều nội dung tuy giản đơn, nhưng sâu sắc đến các em thơ, ấy là niềm tự hào dân tộc, là kính yêu Bác Hồ, là tự hào biển đảo Việt Nam.
Yêu nghề, mến trẻ, đó là động lực để cơ sở làm lồng đèn truyền thống của gia đình bà Lan duy trì hơn 20 năm qua. Với bà, duy trì nghề để phục vụ cho trẻ em vào mỗi dịp trung thu và duy trì nghề để người dân mãi yêu quý những chiếc lồng đèn ông sao truyền thống của người Việt Nam.