Theo dõi trên

Đâu rồi những pho tượng cổ ở đền Pô Klong Khul

22/05/2022, 05:35

Dù đã không còn tồn tại từ lâu, nhưng từ thế kỷ XVII vương quốc cổ Chămpa đã để lại ở xứ Panduranga về phía Nam nhiều di sản văn hóa đặc sắc, với cả một hệ thống đền thờ và giá trị nhất là di sản tượng cổ. Những sưu tập tượng cổ ở đây đã kế tục nền nghệ thuật từ các thế kỷ trước phù hợp với tính chất và phong cách tôn giáo thời kỳ này. Tượng cổ ở đền Pô Klong Khul thể hiện được sự tiếp nối trình độ và nghệ thuật điêu khắc đó.

Đền thờ Pô Klong Khul

Những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, khi đến thăm ngôi đền cổ Pô Klong Khul (Pô Klong Gahul). Nhìn cảnh tượng ngôi đền cổ bị bỏ hoang phế không ai trông nom gìn giữ. Trong cảnh hoang tàn, đổ nát đó không thể hình dung được kiến trúc gốc ra sao, và thờ vị thần nào, có bao nhiêu tượng thờ… may mà còn một số tài liệu do các nhà nghiên cứu người Pháp ghi chép để lại. Theo khảo tả của kiến trúc sư người Pháp H. Parmentier khi ông đến thăm ngôi đền này những năm cuối thế kỷ XIX: Pô Klong Khul có vợ tên là Pô Pzà Iacók là công chúa con gái của vua Pô Klong Mơh Nai. Pô Klong Khul là một vị vua rất có tài và được cha vợ là Pô Klong Mơh Nai trọng dụng và truyền ngôi cho ông. Đây là một sự kiện khác thường trong cung đình Chămpa từ trước cho đến thời điểm này. Theo sử biên niên, ông trị vì từ sau năm 1627, hơn chục năm sau thì Ngài qua đời. Năm mất chính thức không được ghi chép lại. “Có thể Ngài là người vĩ đại về sự đào kênh rạch ở Phan Rí như Pô Klong Garai ở Phan Rang thế kỷ XIII” – Khi viết về nhà vua thì Parmentier ca ngợi ông như vậy. Khi ông mất, hoàng tộc Chăm đã chọn ngọn đồi cát cao, thoáng đảng để xây đền thờ ông.

tuong-vo-ca-vua-po-klong-khul-bi-huy-hoai.jpg
Tượng vợ cả vua Pô Klong Khul bị hủy hoại.

Ngôi đền chính có dạng hình vuông bốn mặt, tám mái. Điều này đã nói đến quy mô to lớn của đền thờ. Về kiến trúc ngôi đền có những nét giống như đền thờ Pô Klong Mơh Nai ở xã Lương Sơn huyện Bắc Bình, gồm 5 gian xây theo hình chữ T. Phòng (điện thờ) trung tâm thờ tượng vua Pô Klong Khul bằng đá xanh xám bán thân và ngồi tựa lưng trên ngai. Phía sau ngai là hình thù của một cột Linga cùng chung với khối đá tạc tượng vua.

Phòng thờ hai bên là tượng 2 người vợ của Ngài. Bà vợ cả bên trái và bà vợ thứ bên phải. 4 Kút bằng đá ở điện thờ bà vợ cả và 2 Kút bằng đá ở điện thờ bà vợ thứ. Đó là Kút những người con của họ. Ngoài ra còn tượng lính gác và một số tượng Kut khác, tổng cộng là 10 tượng. Đáng chú ý là tượng của vua và 2 nữ hoàng đều được chạm trổ, điêu khắc gần giống như các pho tượng ở đền Pô Klong Mơh Nai về hình thức cũng như điêu khắc nghệ thuật trên đá theo hoa văn đặc trưng hoàng tộc Chăm. Theo những người cao tuổi trong hoàng tộc thì như những ngôi đền thờ vua khác, từ khi xây dựng xong, các lễ nghi tại đền thờ vẫn được thực hiện đầy đủ. Các nghi thức cúng lễ hằng năm diễn ra tại đền thờ này ngoài Katê còn có lễ Cầu an và những lễ nghi quan trọng khác của hoàng tộc. Thường sau những nghi lễ chính đều có nghi lễ đốt lửa để xua đi những điều không tốt lành để đem tới những điều an lành cho mọi người.

Tuy nhiên, trong kháng chiến chống Pháp, bọn địch rất hạn chế việc đi lại, sợ tiếp tế cho cách mạng; một phần nữa là do đền thờ cách xa khu dân cư - nơi hậu duệ vua ở làng Tịnh Mỹ chừng 4km và phải vượt qua một đồi cát rộng mới đến được, nên việc đi lại chăm nom ngôi đền ít dần cho đến khi hoang phế.

Thời điểm này do những tin đồn thất thiệt mà bọn trộm mộ đã đến đào bới ở khu đền thờ. Tượng vua Pô Klong Khul bị trộm đào xới từ bên dưới và lật nghiêng qua một bên; tượng hoàng hậu Pô Pzà Iacók bị chặt mất đầu, hai bên ngực và 2 bàn tay. Những tượng khác trong đền đều bị lật tung lên để tìm kiếm báu vật.

Nhận thấy nguy cơ bị mất trộm những pho tượng cổ trong đền. Sở Văn hóa Thông tin lúc đó đã có ý định quay phim, chụp ảnh và lập hộ chiếu cho từng hiện vật từ số lượng, trọng lượng, kích thước, chất liệu... để bảo quản và tránh mất mát. Sau này khi hoàng tộc có điều kiện phục dựng, tôn tạo xong đền thờ thì Nhà nước giao lại như biên bản cam kết. Từ ý định đó, sở VHTT chủ động mời những người đứng đầu dòng tộc hậu duệ, như bà Nguyễn Thị Thềm, ông Bộ Gạch (em ruột bà Nguyễn Thị Thềm), ông Dụng Môn, ông Nguyễn Phú, ông Lư Thái Thuổi… có sự chứng kiến của đại diện UBND huyện và phòng VHTT huyện Bắc Bình cùng khảo sát và có một cuộc hội thảo xung quanh việc xin đưa số tượng ở đền thờ về kho bảo tàng cất giữ và bảo quản.

Sau những giải thích của chính quyền địa phương và sở VHTT, nhưng đại diện hậu duệ vua Pô Klong Khul không đồng ý với các lý do rất tâm linh: thà để số tượng đá đó cho hư hỏng hoặc mất mát còn hơn là cho đưa về bảo tàng cất giữ. Vì nếu đưa về thì linh hồn của những pho tượng đó và ông bà quở trách, bắt bớ sinh bệnh thì ai chịu… Chúng tôi đành bất lực vì phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng và chủ sở hữu vật thờ.

Đâu rồi những pho tượng cổ

Khoảng từ năm 1995 trở về sau, do tình trạng ngôi đền bị bỏ hoang, nên các pho tượng mất dần. Lúc đầu là những tượng trên mặt đất rồi đến những tượng bị chôn vùi do nhiều lần đào trộm các năm trước. Mãi đến năm 2012, trước tình hình trên, gia đình và dòng tộc hậu duệ vua Chăm mới thức tỉnh và đưa những di vật còn sót lại, như một vài mẫu đá là phần đế của tượng Kút về cất giữ.

May mà còn những hình ảnh chúng tôi lưu lại để có mà trưng bày và là tư liệu nghiên cứu về sau. Còn gần như toàn bộ số tượng và Kút trong ngôi đền cổ đã không cánh mà bay. Sau này khi gặp lại những người trong cuộc họp năm xưa, ai cũng hối hận vì thời điểm đó, nếu đồng ý để sở VHTT đưa về cất giữ thì đến nay chắc còn nguyên vẹn. Một số người còn nói rằng, nếu linh hồn trong những pho tượng cổ có sự linh thiêng thật thì đã vật cổ bọn trộm cắp, đào bới hết lần này, đến lần khác rồi. Để rồi bây giờ thay vì vợ chồng, con cái nhà vua khi mất được quy tụ lại và được thờ phụng trong ngôi đền; thì bọn trộm cướp đã di chuyển, cất dấu đi nhiều nơi và để linh hồn họ xa cách mãi.

Nhiều bài học được rút ra từ phía chính quyền, các cơ quan quản lý và bảo vệ di sản văn hóa cũng như sự tín ngưỡng và tâm linh quá mức từ phía dòng tộc hậu duệ vua Chăm, dẫn đến mất hết toàn bộ tượng đá trong đền Pô Klong Khul. Và khi rút ra được những bài học quá đắt giá như vậy thì dù có tiền và muốn phục dựng lại từ ngôi đền đến các pho tượng cổ, phần lễ nghi cũng không bao giờ thực hiện được nữa.

NGUYỄN XUÂN LÝ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I- 2022:
Nhạc sĩ Đinh Trung Hà đạt giải A với “Thắm tình quê hương”
BTO- Tối 20/5, Liên hoan âm nhạc toàn quốc do Hội nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với tỉnh ĐakLak tổ chức, diễn ra tại Tp. Buôn Ma Thuột đã khép lại. Ca khúc “Thắm tình quê hương” của nhạc sĩ Đinh Trung Hà (Bình Thuận), qua phần thể hiện của ca sĩ người Ê Đê là Hlueng Niê đã vinh dự được chọn công diễn và xuất  sắc đạt giải A .
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đâu rồi những pho tượng cổ ở đền Pô Klong Khul