Theo dõi trên

Đầu tư dự án kè chống xâm thực, bảo vệ bờ biển phía Bắc đảo Phú Quý: Tiếp nối những “bờ vui”

17/05/2024, 05:05

Dự án với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, khi hoàn thành, mục tiêu lớn nhất là ngăn chặn tình trạng xâm thực gây sạt lở bờ biển, làm mất đất, làm thu hẹp diện tích đảo. Đồng thời bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, di tích văn hóa, lịch sử khu vực bờ biển phía Bắc đảo Phú Quý…

Từ thực trạng bờ biển bị xâm thực mạnh

Đến Bình Thuận, không thể không nhắc đến huyện đảo Phú Quý - một trong những đảo có đông người dân sinh sống và tầm quan trọng chiến lược trong việc xác định chủ quyền vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Vùng biển quanh khu vực đảo Phú Quý được đánh giá là một trong những ngư trường lớn với sản lượng khai thác hàng năm đạt hàng trăm ngàn tấn. Ngoài ra, khu vực gần đảo Phú Quý hiện nay đang tiến hành khoan thăm dò các giếng dầu và có một số giếng hiện đang tiến hành khai thác. Tuy vậy, trong nhiều năm qua, đảo Phú Quý lại thường xảy ra hiện tượng xâm thực, gây sạt lở bờ biển. Nguyên nhân là do sự tác động của sóng và dòng chảy, phần bờ đảo phía Tây và phía Nam chịu ảnh hưởng của gió Tây và Tây Nam, với hướng gió thổi trực tiếp vào bờ gây sóng to, có lúc chiều cao hơn 4 m, dòng chảy hướng trực tiếp vào đường bờ.

z5445742918449_83ee8153aab93a48c18a6bda61761a56.jpg

Đáng chú ý, từ năm 2008 đến năm 2016 khu vực này đã được đầu tư xây dựng các tuyến kè kiên cố nên hiện nay đường bờ phía này cơ bản đã được bảo vệ an toàn. Đối với phần bờ biển phía Bắc một số khu vực được các bãi đá ngầm tự nhiên bảo vệ nên mức độ sạt lở ít hơn. Riêng đoạn đường bờ tại khu vực thôn Quý Hải, thôn Tân Hải của xã Long Hải có chiều dài khoảng 2 km mức độ xâm thực vẫn diễn ra khá mạnh do chưa có công trình bảo vệ bờ biển. Từ năm 2011 đến nay thực tế đã bị xâm thực mất đi hơn một dãy nhà của người dân ven biển và diện tích đã bị xâm thực khoảng 12 - 15 m đất bờ biển, sát vào tuyến đường Lê Hồng Phong. Do bờ biển bị xâm thực quá mạnh, nhằm bảo vệ phần diện tích đất còn lại, người dân ven biển đã tự đầu tư kè chắn bằng hệ thống ống buy đúc bằng xi măng, bao cát...rất tốn kém nhưng không hiệu quả. Hàng năm đến mùa gió Đông Bắc lại bị cuốn trôi, phải gia cố lại. Nếu không được đầu tư công trình kiên cố thì mức độ xâm thực và xói lở vẫn tiếp tục ảnh hưởng rất lớn đến bờ biển khu vực phía Bắc đảo.

Kè của lòng dân

“Sau khi nghe tin có chủ trương đầu tư dự án kè chống xâm thực, bảo vệ bờ biển phía Bắc đảo tôi cảm thấy rất vui. Trước đây khi có thời tiết xấu, biển thường xuyên xâm thực vào nhà rất nguy hiểm cho người và tài sản. Sau này có kè chống xâm thực người dân địa phương sẽ yên tâm hơn” – Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Lộc, một người dân đang sinh sống tại xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý ngay sau nắm được thông tin từ báo chí đăng tin kỳ họp thứ 22 – HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua dự án Kè chống xâm thực, bảo vệ bờ biển phía Bắc đảo Phú Quý (dự án).

Không vui sao được, khi đây là dự án hết sức cần thiết và cấp bách, phù hợp với chủ trương chung của đảng và nhà nước về vấn đề an sinh xã hội. Việc đầu tư xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển ăn sâu vào đất liền, bảo vệ nhà cửa, tính mạng, tài sản của hơn 4.500 người dân khu vực xã Long Hải. Cùng với đó, tạo thêm công trình hạ tầng dọc bờ biển (đường dọc kè), tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân trong khu vực, cải tạo cảnh quan môi trường, tạo điểm vui chơi, ngắm cảnh cho nhân dân địa phương và du khách khi đến đảo. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung của khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Quý (giai đoạn 2) đang được triển khai thực hiện. Mục đích xây dựng hoàn thiện khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Quý đạt quy mô neo đậu 1.000 chiếc/600CV để cho ngư dân Bình Thuận và các tỉnh lân cận hoạt động khai thác hải sản và neo đậu, tránh trú bão an toàn…Và chắc chắn, khi chủ trương đầu tư dự án kè chống xâm thực, bảo vệ bờ biển phía Bắc đảo Phú Quý vừa được HĐND tỉnh phê duyệt, triển khai thời gian tới, sẽ tiếp nối những “bờ vui” của nhân dân huyện đảo nói riêng và Bình Thuận nói chung.  

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thắng Hải: Nguy cơ thất mùa nhãn xuồng vì thiếu nước tưới?
Do hạn hán kéo dài, giếng khoan cạn nước, dẫn đến nhiều diện tích nhãn và một số cây lâu năm khác trên địa bàn xã Thắng Hải, đang dần vàng úa. Ngược lại, ở những hộ trồng có nước tưới từ giếng khoan, nhãn xuồng đã vào vụ thu hoạch, mang lại năng suất và giá cả tốt.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư dự án kè chống xâm thực, bảo vệ bờ biển phía Bắc đảo Phú Quý: Tiếp nối những “bờ vui”