Tại Bình Thuận, tình hình bán lẻ hàng hóa trên thị trường trong quý III vừa qua được ghi nhận đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, đồng thời thể hiện mức tăng trưởng khá so với quý trước đó. Theo số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả quý đạt 19.126,5 tỷ đồng, tăng 10% so quý II/2022 và tăng gần 40% so cùng kỳ năm ngoái… Cùng với diễn biến tình hình khởi sắc thì công tác quản lý thị trường tại địa phương cũng được chú trọng, nhằm kịp thời xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mặt khác không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý cũng như góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, niêm yết và bán hàng theo giá niêm yết.
Cục Quản lý thị trường Bình Thuận cho biết trong quý III/2022, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 180 trường hợp (giảm 53 vụ so cùng kỳ), qua đó phát hiện và xử lý 67 vụ vi phạm (tăng 18 vụ so với cùng kỳ). Được biết, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách nhà nước là 1.503,2 triệu đồng, tăng hơn 900 triệu đồng so cùng kỳ năm ngoái, ngoài ra còn tịch thu một số hàng hóa vi phạm khác. Trong đó tập trung kiểm tra, xử lý một số mặt hàng nổi cộm như: Thuốc lá, xăng dầu, mặt hàng khí, thực phẩm, mỹ phẩm, phân bón, khoáng sản và lĩnh vực thương mại điện tử. Riêng với mặt hàng xăng dầu đã kiểm tra 20 trường hợp, phát hiện và xử lý 2 vụ vi phạm về giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng, niêm yết giá bán lẻ không đúng...
Thực tế cũng cho thấy trong hoạt động kinh doanh, tình trạng vi phạm về điều kiện kinh doanh, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tiếp tục tái diễn. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm về nhãn hàng hóa như: Buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định, kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đủ những nội dung bắt buộc, hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa vẫn còn xảy ra.
Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những tháng cuối năm và thời điểm giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn Bình Thuận có thể diễn biến phức tạp. Trong khi các đối tượng luôn tìm mọi cách để thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động theo hướng ngày càng tinh vi hơn, không chỉ ở kênh bán hàng truyền thống mà còn ở kênh thương mại điện tử... Thế nên lực lượng quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh công tác đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm xuất xứ và gian lận thương mại điện tử. Nhất là tập trung vào các mặt hàng quan trọng như đường cát, xăng dầu, phân bón, vật tư nông nghiệp và hóa chất. Hoặc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, các sản phẩm thuốc lá mới, vật liệu xây dựng, quần áo thời trang...
Tới đây, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận cũng sẽ thực hiện tốt công tác tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh triển khai thống nhất, đồng bộ các phương án, kế hoạch phối hợp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với những lực lượng chức năng của tỉnh như công an, hải quan, biên phòng, cơ quan thanh tra chuyên ngành để triển khai kịp thời nhiệm vụ, đem lại hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.