Theo dõi trên

Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục

03/01/2023, 06:03 - Lượt đọc: 1,836

Xác định công tác phòng, chống bạo lực học đường (BLHĐ) trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; ngành giáo dục tỉnh nhà thường xuyên triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng BLHĐ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Xác định công tác phòng, chống BLHĐ trong các cơ sở giáo dục rất quan trọng, do vậy Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chỉ đạo các đơn vị trường học đưa nội dung này thành một trong những nội dung trọng tâm của nhiệm vụ năm học. Theo đó, các cơ sở giáo dục luôn quan tâm đẩy mạnh lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong các hoạt động chuyên môn của từng đơn vị, phù hợp với từng đối tượng thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các cơ sở giáo dục toàn tỉnh cũng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội để tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học; ngăn chặn, phòng ngừa và khắc phục các yếu tố có nguy cơ mất an toàn và an ninh trường học; đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho nhà giáo và học sinh, trẻ mầm non trong các cơ sở giáo dục. Tổ chức tập huấn các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống bạo hành, xâm hại trẻ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và các hoạt động giáo dục trẻ kỹ năng nhận biết và phòng, chống những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ...

88fe7c4b-238b-499d-960b-b4550eadd184.jpeg
Tuyên truyền phòng, chống BLHĐ trong các cơ sở giáo dục 

Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh

Bên cạnh đó, xác định công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện là góp phần phòng ngừa BLHĐ. Vì vậy, Sở GD-ĐT tạo đã chỉ đạo các trường học tăng cường gặp gỡ, đối thoại với cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên, người lao động và học sinh để kịp thời nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng, kịp thời có biện pháp tích cực, giải quyết thấu đáo những vướng mắc phát sinh cho giáo viên, học sinh hướng tới sự hài lòng, đồng thuận của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Đồng thời, thành lập và công khai đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và BLHĐ...

Bà Nguyễn Thị Phương An – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, đa số các trường học đã lắp đặt hệ thống camera trong toàn trường để thuận lợi cho quá trình quản lý, giám sát học sinh. Qua đó, kịp thời ngăn chặn những hành vi có biểu hiện thiếu chuẩn mực của học sinh và giáo viên (nếu có) và giải quyết những khiếu nại, tố cáo của phụ huynh (nếu có)… Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống BLHĐ được tăng cường.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT luôn giữ mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác bảo vệ trẻ em, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo lực trong gia đình và ngoài xã hội… Nhờ đó, số vụ việc liên quan đến BLHĐ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giảm qua từng năm học, từ 6 vụ việc ở năm 2017 – 2018, đến hết học kỳ I năm học 2022 – 2023 chỉ có 1 vụ việc. Số vụ việc chủ yếu diễn ra trong phạm vi nhà trường, được nhà trường phối hợp phụ huynh quan tâm giải quyết để bảo vệ an toàn và quyền lợi cho trẻ. Không có vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, vi phạm đạo đức nhà giáo trong nhà trường.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống BLHĐ trong các cơ sở giáo dục, Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đẩy mạnh công tác phòng, chống BLHĐ nhằm giảm thiểu tình trạng BLHĐ trong nhà trường. Hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em để cha, mẹ, người chăm sóc trẻ nâng cao cảnh giác, thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, quan niệm trong việc bảo vệ trẻ em. Phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về giới tính, trang bị kỹ năng phòng ngừa và bảo vệ bản thân cho trẻ em, nhất là trẻ em gái nhằm phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Đặc biệt, thay đổi phương thức tiếp cận từ các biện pháp tuyên truyền truyền thống đến việc ứng dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em...

THANH THỦY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo là một trong những giải pháp trọng tâm của tỉnh trong thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận GDNN, tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục