Quảng bá sản phẩm lợi thế
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành đưa các nội dung thực hiện Chương trình OCOP Bình Thuận vào quy hoạch tổng thể, kế hoạch hàng năm. Đồng thời, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm theo Chương trình OCOP Bình Thuận như hội chợ, triển lãm. Song song hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá sản phẩm. Nổi bật, có thể nhắc đến một số sản phẩm đã được vinh danh, có cơ hội giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng trưng bày như thanh long tươi của HTX Hòa Lệ, nước mắm của Công ty TNHH Cá Đen, sản phẩm ăn liền của Công ty TNHH TM chế biến hải sản Đầm Sen…
Liên quan đến nội dung đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP, vào tháng 3/2021 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Thuận đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 50% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm, dịch vụ lợi thế, chủ lực của tỉnh và sản phẩm gắn với chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Ngoài ra, hỗ trợ đăng ký bảo hộ, triển khai hệ thống quản lý và khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận… cho các sản phẩm gắn với chương trình OCOP. Đồng thời, đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ; hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị…
Xúc tiến thương mại
Cũng trong năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Bình Thuận tại hội chợ OCOP tại tỉnh An Giang. Vận động và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các nội dung trong chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công nhằm kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong số đó, có chương trình hội chợ triển lãm về Tuần lễ thương hiệu Quốc gia và diễn đàn thương hiệu Việt Nam 2021 tại TP. Hồ Chí Minh; “Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Bình Thuận” tại thành phố Hồ chí Minh; Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp và tổ chức xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Lắk, các phiên chợ đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo...
Mặt khác, tỉnh cũng hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể “Thanh long Tiến Thành” cho Hợp tác xã dịch vụ sản xuất thanh long Tiến Thành và “Gà thả vườn Thiện Nghiệp” cho Hợp tác xã chăn nuôi gà thả vườn Thiện Nghiệp. Song song, hỗ trợ hồ sơ đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể cho Hợp tác xã thanh long GlobalGAP Tân Thuận. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng. Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Trung tâm thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ.
Thông qua việc lồng ghép thực hiện chương trình ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã hỗ trợ các địa phương phát triển chuỗi giá trị đối với các sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, các sản phẩm OCOP của địa phương. Kết quả, đến nay toàn tỉnh đã có 70 sản phẩm OCOP. Trong đó 34 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, 34 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 2 sản phẩm đủ điều kiện trình Trung ương công nhận đạt 5 sao. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, việc đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Qua đó, bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên.