Đến ngày 5/3/2024 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhận được báo cáo của 11/28 tỉnh (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau). Nhìn chung, các địa phương đã bám sát nội dung và báo cáo kết quả theo yêu cầu tại công văn số 856/BNN-TS; một số địa phương đã tích cực triển khai, đạt kết quả và có chuyển biến rõ rệt (Quảng Nam, Cà Mau, Hải Phòng...).
Đặc biệt, các địa phương đã tích cực trong công tác xử lý, xử phạt vi phạm hành chính đối với các tàu không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, không báo vị trí, không đưa tàu về bờ theo quy định. Tuy nhiên, các báo cáo còn sơ sài, thiếu dữ liệu, chưa đầy đủ thông tin theo yêu cầu để đánh giá kết quả thực thi pháp luật thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp tại địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo sự chuyển biến thực sự tại các địa phương trong công tác thực thi pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU và chuẩn bị các nội dung làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 5 trong năm 2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển triển khai một số nội dung trọng tâm.
Theo đó, trực tiếp chỉ đạo rà soát, đánh giá và báo cáo cụ thể, chi tiết các nội dung tại Công văn số 856/BNN-TS của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Thiết lập cơ chế, giao cơ quan chức năng và chính quyền cấp cơ sở kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên vị trí và tình trạng các tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình dài ngày, không đủ điều kiện hoạt động. Xác minh thông tin và xử lý nghiêm minh (không áp dụng biện pháp cảnh cáo, nhắc nhở) các trường hợp trên mà không báo vị trí, đưa tàu cá về bờ, tàu cá vượt ranh giới, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo quy định đối với các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, xử lý triệt để các trường hợp tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển và vượt ranh giới trên biển, vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt đối với các tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên tại địa phương trong tháng 1, tháng 2 năm 2024 (trong 2 tháng, Bình Thuận có 139 trường hợp tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24m không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết vị VMS quá 10 ngày; 16 trường hợp không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa VMS trong 6 tháng).
Ngoài ra, chỉ đạo, bố trí nguồn lực thực hiện Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) tại địa phương để đảm bảo kiểm soát được tất cả thông tin tàu cá xuất, nhập bến, bốc dỡ sản lượng qua cảng làm cơ sở cho công tác xác minh thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc như giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác (giấy SC), giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy CC) lên Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử; danh tàu tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU lên cơ sở dữ liệu VMS... theo hướng dẫn của Cục Thủy sản, đáp ứng yêu cầu của EC về kiểm soát hoạt động của tàu cá và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm trực tiếp chỉ đạo, rà soát kết quả thực hiện tại địa phương và ký gửi báo cáo về Bộ Nông nghiệp và PTNT trước ngày 20/3/2024 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị các nội dung báo cáo tiến độ để làm việc với Đoàn thanh tra EC lần thứ 5.