Theo dõi trên

Dậy sóng bất ngờ trước quyết định chọn Bộ trưởng Quốc phòng của ông Donald Trump

15/11/2024, 10:14

Việc ông Pete Hegseth - người dẫn chương trình của Fox News được Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sắp tới đang khiến chính giới nước này dậy sóng, báo hiệu sự thay đổi cơ bản trong bộ sức mạnh này của Mỹ.

Theo giới phân tích, việc ông Trump bổ nhiệm một nhân vật có ít kinh nghiệm trong lĩnh vực quân sự và chưa được thử thách trên trường quốc tế, tiếp quản lực lượng quân đội lớn nhất và hùng mạnh nhất trên thế giới, đã gây nhiều tranh cãi.

screenshot_1731640515.png
Ông Pete Hegseth. Ảnh: Getty

Theo Time Magazine, nhiều nhà chính trị ở Washington lo lắng khi ông Trump từ chối rất nhiều nhân vật đóng vai trò quan trọng với an ninh quốc gia và chọn lựa thiếu tá vệ binh quốc gia, kiêm người dẫn chương trình của Fox News, làm tân bộ trưởng quốc phòng. CNN cho biết, các chỉ huy quân sự cấp cao của Mỹ đã có những phản ứng trái chiều liên quan đến quyết định này. Một chỉ huy giấu tên cho biết: “Điều đó thật nực cười”. Trong khi một người khác cho đây là “cơn ác mộng”.

Một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa phản ứng khá im lặng trước thông báo trên, còn một số người khác cho rằng kinh nghiệm chiến đấu của Pete Hegseth là “một lợi thế” và ông là người "vô cùng có năng lực". Thượng nghị sĩ John Hoeven, bang Bắc Dakota nói rằng ông không ngạc nhiên khi ông Trump chọn Pete Hegseth vì tổng thống đắc cử rất "gần gũi, yêu thích và tin tưởng ông ấy".

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Trump cho rằng, việc bổ nhiệm ông Hegseth có thể mang lại những thay đổi sâu rộng cho quân đội. Trong các cuộc phỏng vấn với báo chí, ông Hegseth đã đưa ra quan điểm khá giống ông Trump là phản đối các chương trình thúc đẩy công bằng và hòa nhập. Ông cũng đặt câu hỏi về vai trò của phụ nữ trong chiến đấu và ủng hộ việc ân xá cho những quân nhân bị buộc tội gây tội ác trong chiến tranh.

Ông Hegseth, 44 tuổi, một người bảo thủ trung thành ủng hộ chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Trump, cũng ủng hộ các biện pháp cải cách để giúp quân đội Mỹ trở nên lớn mạnh hơn. Trong một cuộc phỏng vấn trên podcast "The Shawn Ryan Show", ông cho biết, việc cho phép phụ nữ phục vụ trong chiến đấu sẽ làm tổn hại đến nỗ lực đó.

"Việc nam giới và phụ nữ cùng phục vụ trong quân đội khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Điều này có thể khiến tình trạng thương vong tồi tệ hơn. Bằng cách cho phép phụ nữ tham gia chiến đấu, bạn đang làm thay đổi năng lực của quân đội", ông Hegseth nói.

Lo ngại về vai trò của ông Pete Hegseth

Mặc dù Tổng thống đắc cử Trump khen ngợi ông Hegseth là "người cứng rắn, thông minh và thực sự tin tưởng vào chính sách Nước Mỹ trên hết", nhưng một số nhân vật lại khác chỉ trích ông thiếu kinh nghiệm điều hành trong lĩnh vực quốc phòng. Một số thậm chí cho rằng ông Hegseth có thể chỉ là người đứng đầu Lầu Năm Góc trên danh nghĩa vì tổng thống mới là người điều hành bộ phận này.

ong-pete-hegseth-phong-van-ong-donald-trump-tai-nha-trang-nam-2017-580.jpg
Ông Pete Hegseth phỏng vấn ông Trump năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Hạ nghị sỹ Adam Smith của bang Washington, thành viên Dân chủ cấp cao trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện, cho rằng: "Có nhiều lý do để lo ngại ông Hegseth không phải là người hoạch định chính sách đáng tin cậy để có thể thành công trên cương vị này".

Trước đó, đã có một số nhân vật được cho là ứng viên sáng giá cho chức vụ này, chẳng hạn như Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mike Rogers, Trung tướng nghỉ hưu Keith Kellogg, Thượng nghị sĩ Joni Ernst và Robert Wilkie - cựu quan chức Lầu Năm Góc từng là người đứng đầu Bộ Cựu chiến binh trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.

Ông Mark Cancian, Cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết việc ông Hegseth thiếu kinh nghiệm về an ninh quốc gia khiến quá trình xác nhận của Thượng viện trở nên khó khăn hơn.

"Tôi nghĩ ông Trump đã mệt mỏi vì phải đấu tranh với các bộ trưởng quốc phòng trong nhiệm kỳ trước và ông đã chọn một người trung thành với mình", nhà phân tích Cancian lưu ý.

Các quan chức quân sự cũng tỏ ra khá bất ngờ trước quyết định đề cử của Tổng thống đắc cử Trump. Một sĩ quan quân đội cấp cao cho rằng, quyết định đề cử ông Hegseth làm bộ trưởng quốc phòng đang làm dấy lên mối lo ngại liệu ông có kinh nghiệm thực tế để quản lý một bộ phận lớn với ngân sách khổng lồ hay không.

Bộ Quốc phòng có ngân sách hơn 800 tỷ USD, với khoảng 1,3 triệu binh sỹ đang tại ngũ và 1,4 triệu binh sỹ khác trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia, Lực lượng dự bị cũng như có các nhân viên và binh sỹ đang hoạt động tại nhiều nước trên thế giới.

Nếu được chính thức xác nhận đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng quốc phòng, ông Hegseth sẽ phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng trên toàn cầu, từ các cuộc chiến ở Trung Đông, đến xung đột Nga-Ukraine, quan hệ liên kết mở rộng giữa Nga và Triều Tiên cho đến sự cạnh tranh ngày càng gia tăng với Trung Quốc. Ngoài ra Mỹ đang cần nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa và hạt nhân, cũng như đảm bảo ngành công nghiệp quốc phòng có thể bắt kịp nhu cầu về hệ thống vũ khí của quân đội.

Hạ nghị sỹ Adam Smith cho biết, mặc dù kinh nghiệm chiến đấu của Hegseth là một lợi thế, nhưng việc điều hành Lầu Năm Góc đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khác và sẽ cần phải có thời gian để xem xét việc đề cử ông

"Kế hoạch của ông là gì? Ông sẽ làm gì? ... Làm sao ông có thể đảm bảo với chúng tôi rằng việc thiếu kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó sẽ không ngăn cản ông hoàn thành công việc? Tôi nghĩ đó là những câu hỏi cần được trả lời trong vài tháng tới", ông Adam Smith nói.

Theo quân đội Mỹ, ông Hegseth từng phục vụ trong Lực lượng Vệ binh từ năm 2002 đến năm 2021 với tư cách là sĩ quan bộ binh. Ông đã được triển khai đến Iraq năm 2005, Afghanistan năm vào 2011 và tới Vịnh Guantanamo, Cuba năm 2004. Ông có hai huy chương Sao Đồng.

Ông Hegseth là cộng tác viên của Fox News từ năm 2014. Trong quá trình này, ông đã có mối quan hệ thân thiêt với ông Trump - người thường xuyên xuất hiện trong chương trình của Fox News.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nhà Trắng thời Trump 2.0 sẽ hoạt động thế nào?
Liệu câu chuyện 'Hội đồng an ninh quốc gia chỉ minh họa Nhà Trắng' 8 năm trước có thành nếp làm việc dưới thời Trump 2.0?. Trong vòng hơn một tuần sau khi đắc cử, ông Donald Trump đã nhanh chóng bắt tay vào bổ nhiệm các vị trí cho chính quyền mới với tốc độ được đánh giá là “thần tốc”, trong đó ông còn đề xuất cơ chế bổ nhiệm nhân sự một số vị trí mà không cần Thượng viện phê chuẩn.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dậy sóng bất ngờ trước quyết định chọn Bộ trưởng Quốc phòng của ông Donald Trump