Theo đó, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo ngày càng hoàn thiện, nhất là các chính sách hỗ trợ sản xuất đã hướng vào các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã tập trung cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, do đó nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua 2 năm (2016 – 2017), toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo là 2,3%, bình quân mỗi năm giảm 1,15%, đến đầu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 3,67%. Để những hộ nghèo có vốn kinh doanh, sản xuất, chăn nuôi nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thoát nghèo bền vững, từ năm 2016 đến nay đã giải ngân cho trên 12.000 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn với số tiền trên 394 tỷ đồng. Thực hiện nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ và chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh, giải ngân cho 112 hộ vay vốn làm nhà ở với kinh phí thực hiện là 2.800 triệu đồng. Ngoài ra còn hỗ trợ tiền điện cho 153.301 lượt hộ nghèo và hộ chính sách xã hội… Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cũng được chú trọng hơn, nhất là lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó đã đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cho 2.845 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong giai đoạn 2016 – 2018, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 72.960 lao động, đạt 101,3% so với kế hoạch giao, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Để chương trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm hoạt động có hiệu quả, theo HĐND tỉnh thì thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền về công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm sâu rộng trong nhân dân để nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả rà soát, bình xét hộ nghèo nhằm đảm bảo tính công khai, dân chủ và chính xác, kịp thời chấn chỉnh sai phạm và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở. Phối hợp với các ngành liên quan trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn, để người lao động có thể tìm được việc làm sau khi được đào tạo hoặc có thể ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp, khu công nghiệp để tạo việc làm cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững…
PHAN LIÊN