Theo dõi trên

Để có 10.000 ha thanh long VietGAP

08/02/2018, 10:56

BT- Hướng tới thị trường tiêu thụ rộng lớn, bền vững và tạo uy tín cho trái thanh long, gần 10 năm qua, Bình Thuận đã tập trung chỉ đạo sản xuất loại trái cây này theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Đến cuối năm 2017, diện tích thanh long được cấp chứng nhận VietGAP 9.510 ha, đạt hơn 1/3 diện tích thanh long hiện có trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi diện tích VietGAP có chiều hướng giảm mạnh, nhiều hộ không tham gia nữa. Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện có 46 tổ/676 hộ với diện tích 643 ha bị hủy bỏ do người dân không đăng ký tái cấp khiến tiến độ đánh giá tái cấp chứng nhận rất chậm, chỉ đạt 87% kế hoạch.

Khách quan mà nói, việc người dân không chịu triển khai mới thanh long VietGAP, không đăng ký tái cấp không hoàn toàn do họ không nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất thanh long sạch mà chính vì sự thua thiệt của họ. Nhiều người khi được hỏi tại sao bỏ thanh long VietGAP đều nhận được câu trả lời là làm thanh long VietGAP tốn công, tốn chi phí, nhưng khi bán ra vẫn bằng giá thanh long thường. Chưa kể thanh long sạch do ít dùng thuốc bảo vệ thực vật nên trái nhỏ, tai trái không được đẹp nên thương lái thường chê, có lúc không thu mua. Một số khác cho rằng khi triển khai chương trình, ngành chức năng, địa phương dường như đã “quên” mất khâu tiêu thụ, bỏ mặc thanh long VietGAP bị đánh đồng với thanh long thường, khiến người dân thiếu an tâm, tin tưởng…

Cho đến nay, sản phẩm thanh long Bình Thuận chủ yếu được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường dễ dãi, không cần kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không đòi hỏi các tiêu chuẩn về an toàn nông sản, miễn là quả thanh long có mẫu mã to đẹp, bóng bẩy là được. Chính thị trường này là lý do làm cho thanh long VietGAP thua thiệt.

Chúng ta cũng không thể yêu cầu thị trường Trung Quốc mua thanh long sạch với giá cao hơn vì đây là quy luật cung cầu, có cầu ắt có cung. Tuy nhiên điều đang lo là thị trường này có mãi “dễ tính” như hiện nay không? Hay một lúc nào đó họ bất ngờ đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm mà trái thanh long không đáp ứng được thì chúng ta sẽ xoay xở không kịp, hàng hóa sẽ ứ đọng và người sản xuất sẽ thua thiệt rất lớn.Vì vậy việc chủ động sản xuất thanh long theo hướng an toàn đang là nhu cầu cấp thiết và hướng đi lâu dài của tỉnh.

Để đạt được 10.000 ha thanh long VietGAP trong năm 2018, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích lâu dài của sản xuất thanh long sạch thì cần có giải pháp kịp thời để hạn chế sự thua thiệt của người sản xuất VietGAP. Từ những phân tích trên cho thấy, để thanh long sạch “có giá” thì ngoài thị trường “dễ tính” Trung Quốc cần phải mở rộng tiêu thụ thanh long sạch ở các thị trường khó tính, bởi các thị trường này chỉ có thanh long sạch mới vào được, khi đã vào được các thị trường này thì giá cả sẽ cao hơn nhiều, từ đó mới kích thích được người sản xuất VietGAP. Được biết, hiện nay thanh long được xuất khẩu sang khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Ngoài các thị trường truyền thống xuất khẩu thanh long như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hà Lan và Đài Loan, thanh long còn được xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Ý, Nhật, Singapore, Ấn Độ, New Zealand, Úc và Chi Lê… Vấn đề là cần phải tiếp thị mạnh hơn để nâng  sản lượng xuất khẩu vào các thị trường này. Cùng với thị trường ngoài nước cần chú trọng hơn trong việc đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tổ chức việc tiêu thụ rộng rãi thanh long sạch ở thị trường nội địa.

Trong sản xuất, cần chú trọng xây dựng các liên minh sản xuất, tiêu thụ thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, để tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên là người sản xuất. Tập trung nghiên cứu trồng các giống mới, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất (như trồng theo giàn…) với giá thành hạ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời vận động, thuyết phục các doanh nghiệp cần sử dụng logo chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận cho tất cả các sản phẩm xuất khẩu. Vận động doanh nghiệp, cơ sở thu mua liên kết với nhóm nông dân sản xuất thanh long VietGAP để thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân…

Thế Nam



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để có 10.000 ha thanh long VietGAP