Theo dõi trên

Để hương rượu cần bay xa

22/05/2023, 05:46

Nắng chen lẫn những hạt mưa của những ngày tháng 5, chúng tôi như được “tắm” trong hơi thơm nồng của rượu cần khi đến với bà con đồng bào K’ho thuộc xã vùng cao Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc. Hình ảnh những lời ca, điệu nhảy bên ché rượu cần hòa vào ánh lửa bập bùng cứ chập chờn ẩn hiện làm chúng tôi mường tượng về một làng nghề rượu cần truyền thống sẽ được hồi sinh và phát triển ở nơi này.

Tìm men rượu cần xưa

Biết chúng tôi đang tìm hiểu về rượu cần, vì thế mà ông K’ Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc) đã hồ hởi khoe ngay trong lần gặp đầu tiên. Ông nói, rượu cần của người K’ho trên địa bàn xã là sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa ở cả cách làm và cách thưởng thức. Theo phong tục truyền thống từ bao đời nay, người K’ho thường chỉ uống rượu cần khi có những công việc trọng đại như trong những nghi lễ thờ cúng, những ngày lễ lớn trong năm hay là tiếp khách... “Nghi thức uống rượu cần đã góp phần làm nên nét đẹp văn hóa trong cộng đồng dân tộc K’ho” – ông Tiển nói. Thế nhưng trầm ngâm một lúc, ông cũng chia sẻ: “Giờ thì đồng bào chủ yếu làm rượu cần bằng men công nghiệp. Hiếm hoi lắm mới có gia đình giữ được men rượu cần xưa”.

z4351871988230_7b0c193f3afbcddcf01fc1111f4a424e.jpg

Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Tiển giới thiệu chúng tôi gặp bà K’Thị Mang (thôn 1, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc) là một trong những người lớn tuổi còn giữ lại được nghề nấu rượu cần do ông bà tổ tiên truyền lại. Bà Mang cho biết, vào những ngày lễ lớn của đồng bào, rượu cần chính là “đầu câu chuyện”, chưa có ché rượu cần thì coi như công việc chưa trôi chảy. “Nguyên liệu để làm rượu cần là những sản phẩm nông nghiệp, đó là loại gạo nương nấu thành cơm rồi trộn với trấu, dàn mỏng phơi khô. Men làm rượu là những loại lá, củ, rễ lấy trên rừng về để sơ chế. Sau khi hoàn tất, nguồn sơ chế được đổ vào ché, lấy lá khô ủ kín. Thế nhưng để có được men ủ đấy, những thanh niên trai tráng của làng phải lặn lội lên núi sâu tìm về. Nhà nhiều khách thì làm 5-8 ché rượu. Nhà ít cũng được 4-5 ché. Cứ thế, hương rượu cần dập dìu từ năm này đến năm khác”, bà Mang nói.

Nhưng bà Mang cũng cho biết, cách làm rượu cần trên là câu chuyện của nhiều năm về trước. Giờ ở đây hầu hết các nhà toàn ủ rượu bằng men công nghiệp bởi thứ men này vừa nhanh lại vừa tốn ít công sức. “Chỉ cần vài ngàn đồng để mua men là có thể ủ được 2 – 3 ché rượu. Vì thế chẳng còn mấy ai mặn mà với việc lên rừng tìm lá, củ để sơ chế làm men nữa. Nhưng nói thật chất lượng rượu thì không thể bằng men từ vỏ cây của ông bà tổ tiên để lại được” - vừa nói bà Mang vừa cho chúng tôi thử 2 loại rượu cần từ đôi tay của bà làm ra. Quả thật, rượu cần làm từ “men rừng” thơm ngon đủ vị đắng - cay - chua - ngọt.

screenshot_1684709460.png

Cũng theo nhiều người dân nấu rượu cần trên địa bàn xã Đông Giang, rượu cần thơm ngon ngoài công thức lên men và ủ nguyên liệu, thì yếu tố quan trọng nữa là phải có ché tốt. Già làng K’Văn Thiêng (thôn 1, xã Đông Giang) cho biết, hiện trong nhà của ông có khoảng gần chục cái ché dùng để ủ rượu. Những loại ché này có vỏ dày và khi ủ rượu sẽ không bị ngấm vào vỏ, do đó rượu sẽ ủ được từ 3-5 năm mà không bị hư. “Ché rượu cần bây giờ không còn vị ngon như trước. Chỉ hy vọng thế hệ sau gìn giữ nghề nấu rượu cần, đừng để công nghiệp hóa lấn sâu vào sẽ mất dần đi bản sắc. Bởi rượu cần chứa đựng những giá trị văn hóa, tôn thêm vẻ đẹp của đồng bào K’ho”, ông Thiêng nói.

Sẽ hình thành làng nghề rượu cần?

Trao đổi với ông K’ Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Đông Giang cho biết, từ gợi ý của lãnh đạo huyện, địa phương đang nung nấu ý định xây dựng, bảo tồn và phát triển làng nghề nấu rượu cần ở địa phương mình. Sở dĩ như vậy là vì, hiện nay Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ - có diện tích hơn 10ha nằm trong rừng Sa Lôn (trên địa bàn xã Đông Giang) vừa đi vào hoạt động, nơi đây vừa phục vụ giáo dục truyền thống, vừa là một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách. Tận dụng lợi thế trên, địa phương muốn hình thành một làng nghề nấu rượu cần không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số.

“Nhiều khách đến tham quan Khu di tích đều “hỏi thăm” về rượu cần của đồng bào. Họ muốn trải nghiệm, thưởng thức rượu cần truyền thống. Trong khi những người tâm huyết đang ngày càng già đi, vì vậy điều cần thiết là để người trẻ làm sống lại nghề truyền thống của cha ông và quảng bá được nét văn hóa độc đáo với du khách và còn mở ra một hướng đi tích cực về làm kinh tế, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo”, ông Tiển tâm sự.

Thật vậy, là một trong những du khách đến với Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận vào đầu tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Minh Hoàng (TP. Phan Thiết) cho rằng, tuyến du lịch biển rừng kết nối Mũi Né - Đông Giang - Đa Mi - Tà Pao đang hình thành, cùng với đó là Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa đi vào hoạt động, du khách đến thăm muốn có những món quà địa phương mang về, vì thế rượu cần là một trong những món quà lý tưởng. Do đó, ông Hoàng cũng mong muốn địa phương sớm hình thành làng nghề để du khách có thể thưởng thức rượu cần truyền thống.

Là một trong những người trẻ đang gìn giữ nghề nấu rượu cần trên địa bàn xã Đông Giang, chị K’ Thị Hậu, sinh năm 1984 mong muốn, chính quyền địa phương sớm có những định hướng cũng như đầu tư vốn để bà con thực hiện làng nghề. “Vui lắm, ai cũng mong muốn nếu mà làm được như vậy thì rượu cần sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, đời sống của người dân sẽ ổn định. Tuy nhiên, để làm được thì cần có vốn để đầu tư những dụng cụ làm rượu, cũng như đầu ra”, chị Hậu chia sẻ.

Rời Đông Giang giữa hương rượu cần thơm nồng, đượm tình. Tất cả từ già cho đến trẻ - họ đều mong muốn phục hồi lại làng nghề truyền thống của ông cha mình. Do đó huyện Hàm Thuận Bắc cần có chính sách hỗ trợ vốn để rượu cần vùng cao có thể đến được với du khách giữa lúc sản phẩm du lịch địa phương còn thiếu như hiện nay.

NGỌC DIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trao nhà và tặng 150 phần quà cho người nghèo
Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình vừa bàn giao căn nhà Đại đoàn kết cho gia đình ông Hồ Sắn Lìn, hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, thường trú tại thôn Sông Khiêng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để hương rượu cần bay xa