Theo dõi trên

Để không còn việc lạm thu

06/10/2023, 05:55

Năm học đã bước sang tuần thứ 5, tuy nhiên câu chuyện về tiền hội phí (kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh) vẫn đang được nhiều phụ huynh và cả giáo viên quan tâm. Một số câu hỏi phổ biến nhất: “Tiền hội phí thu được ở lớp có phải nộp về nhà trường không?”; “Mức nộp về trường bao nhiêu là đủ?”; “Ai quy định mức nộp này?”…

Vì sao mức thu cao

Một giáo viên tại Phan Thiết chia sẻ: “Trường em hiệu trưởng quy định mức trích kinh phí về trường là 60%, để ở lớp chỉ 40%. Số tiền để tại lớp khá ít, sẽ không đủ để chi phí trong năm học. Vì thế, mức thu của phụ huynh cũng phải cao hơn một chút”.

0957_hoc-sinh1.jpg

Một giáo viên khác cũng bật mí: “% trích về trường bao năm nay của trường luôn ở mức 70% trích về trường còn 30% để ở lớp”.

Tuy nhiên, có trường học lại chia đều theo tỷ lệ 50-50. Có trường chỉ yêu cầu trích về trường 30%, còn 70% để lại lớp để hoạt động.

Nhiều giáo viên thắc mắc: “Cũng là chi tiêu quỹ hội cha mẹ học sinh mà không có một quy định cụ thể về % trích nộp lên trên lại phụ thuộc vào ý của hiệu trưởng. Đã là quỹ hội do chính cha mẹ học sinh trong lớp đóng góp để phục vụ cho con em mình thì % để lại lớp cao hơn mới là hợp lý.

Ví dụ nhận được ủng hộ 10 triệu đồng, trích về trường 3 triệu đồng, để lại lớp 7 triệu đồng là hợp lý. Thế nhưng nhà trường đòi lấy tới 7 triệu đồng, lớp chỉ còn 3 triệu đồng sẽ hoạt động kiểu gì?”.

Ai mới có quyền quyết định trích phần trăm

Điểm b, Khoản 1, Điều 10 Thông tư 55 quy định rõ ràng:

Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện học sinh trường.

Được hiểu là, sau khi họp phụ huynh tại các lớp, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh mỗi lớp sẽ ngồi họp với nhau và quyết định % kinh phí sẽ nộp về ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Tuy nhiên trong thực tế ở các trường học hiện nay, hiệu trưởng mới là người quyết định % kinh phí nộp về ban đại diện cha mẹ học sinh cấp trường. Vì thế, có trường yêu cầu kinh phí trích về trường cao hơn kinh phí để lại lớp. Có trường kinh phí để lại lớp cao hơn kinh phí trích về trường.

Mặc dù Thông tư 55 quy định về việc ủng hộ kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh và việc quản lý thu chi hội phí. Tuy nhiên hiện nay, nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh chưa làm đúng vai trò của mình.

Thứ nhất, để hiệu trưởng toàn quyền quy định mức % phải nộp về trường quá cao. Dẫn đến, lớp học thiếu kinh phí hoạt động phải thu thêm.

Thứ hai, quyên góp của người học hoặc gia đình người học không theo nguyên tắc tự nguyện mà áp đặt mức thu. Điển hình là một lớp ở thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi phụ huynh nộp quỹ hội 10 triệu đồng. Có trường ở Hà Nội, mỗi phụ huynh phải nộp 3.500.000 đồng. Nhiều trường học khác gần như cũng đưa ra mức sàn phải nộp từ 200.000 đồng, thậm chí 500.000 đồng trở lên.

Thứ ba, việc chi số tiền hội phí chưa đúng theo quy định của Thông tư 55. Một số khoản chi cho sắm sửa cơ sở vật chất, chi bồi dưỡng cho giáo viên…

Phụ huynh phản ánh chuyện lạm thu ở nhiều trường học, cũng chính nhiều phụ huynh lại “đồng lõa” với nhà trường hoặc biết mà im lặng để nhà trường vi phạm trong việc thu chi quỹ hội.

Muốn chấm dứt việc lạm thu không chỉ phản ánh là đủ, mỗi phụ huynh đặc biệt là những người trong ban đại diện cần làm tốt vai trò giám sát, phản biện của mình trước những bất công, vô lý mà nhà trường đưa ra. Có như vậy, việc lạm thu tiền trường vào đầu mỗi năm học mới mong chấm dứt.

PHAN HUYỀN


(2) Bình luận
Bài liên quan
32 học sinh Bình Thuận được nhận học bổng “Vì tương lai Việt Nam”
Mới đây, tại Nhà văn hóa huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), Báo Tuổi trẻ (ấn phẩm Mực Tím) đã tổ chức trao học bổng “Vì tương lai Việt Nam” năm 2023 cho học sinh 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để không còn việc lạm thu