Trước đó, họ cũng được một số chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong, ngoài tỉnh (ban tổ chức mời hỗ trợ tư vấn cung cấp kiến thức, gợi ý ý tưởng, hoàn thiện mô hình, giải pháp) để tham gia.
Để những giải pháp đã được công nhận ban đầu ấy là gạch nối khởi nghiệp cho các tác giả của nó còn là chặng đường dài phía trước. Anh Lê Việt Kỳ (Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh), tác giả giải pháp chuyển giao và phát triển kết quả của “Mô hình kinh tế tuần hoàn: Tái sử dụng nguồn nguyên liệu tạo ra chuỗi sản phẩm nấm linh chi, nấm rơm, rau mầm và phân hữu cơ góp phần tăng hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường” cho biết: “Mô hình trên đã được ứng dụng có hiệu quả ở một số địa phương như Tuy Phong, Đức Linh. Tuy nhiên sắp tới, tôi sẽ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mô hình kinh tế tuần hoàn, phục vụ người tiêu dùng, chuyển giao công nghệ đến với nhiều người dân có nhu cầu trong tỉnh; liên kết mở rộng sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm”. Với nhiều tác giả, nhóm tác giả đoạt giải trong cuộc thi lần này cũng nhìn nhận, thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến sản phẩm như: “Tranh giấy xoắn nghệ thuật Ánh Nguyệt”, “Cao dán thảo mộc hỗ trợ giảm đau xương khớp”, “Thỏ sấy gác bếp”… chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ…
Ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ, Trưởng ban tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020 - 2021 chia sẻ, hiện nay Việt Nam rất ít các quỹ đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm để cung cấp vốn, đầu tư dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nguồn vốn ngân sách tỉnh dành cho các dự án này cũng chưa nhiều... Tuy nhiên, phía sở phối hợp với sở, ngành chức năng khác sẽ tổ chức hội thảo, mời chuyên gia khởi nghiệp tư vấn về tài chính, vay nguồn vốn ưu đãi ngân hàng đầu tư phát triển sản phẩm, kết nối thị trường… cho các tổ chức, cá nhân (trong đó có các tác giả có sản phẩm, mô hình kinh doanh đoạt giải vừa qua) để tham khảo, vận dụng phù hợp.
Đồng thời, Sở Khoa học & Công nghệ, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh Bình Thuận (VCCI) sẽ giới thiệu một số chính sách về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ, chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thiết kế mô hình kinh doanh, xây dựng chiến lược kinh doanh cho các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp. Họ là các chủ nhân đạt giải trong cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020 - 2021. Qua đó giúp họ tìm hiểu nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp để có thể hình thành giải pháp hữu ích hay bằng sáng chế, phát triển sản xuất kinh doanh, đem lại lợi ích cho xã hội…
“Thông qua đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ ban hành, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch số 4746 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp thực tiễn, nguồn lực, điều kiện của tỉnh”.