Theo dõi trên

Để nhân dân thuận lợi tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

04/04/2023, 05:29

Dựa vào dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy dân chủ, đảm bảo thực sự vai trò làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách thực chất, hiệu quả.

Trên thực tế, một số công trình, dự án đã được phê duyệt nhưng triển khai thực hiện chậm; việc thực hiện các chính sách liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư cho người dân trong một số dự án còn bất cập... Chính vì vậy, các thế lực thù địch sẽ có thể không ngừng lợi dụng môi trường mạng để xuyên tạc chủ trương, kích động người dân về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc… gây tâm lý bất an trong nhân dân. Việc dựa vào dân gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hết sức quan trọng và cần được thực hiện nhất quán.

202303300837342(1).jpeg

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sức mạnh của nhân dân là rất to lớn, nếu được khéo léo tổ chức, tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì sức mạnh đó sẽ là sức mạnh vô địch”. Việc phát huy thực chất quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tích cực, chủ động tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là yêu cầu khách quan, thể hiện và đảm bảo rõ nét bản chất giai cấp công nhân, bản chất nhân dân của Đảng Cộng sản cầm quyền.

Để nhân dân thuận lợi tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Đảng, Nhà nước cần tạo điều kiện đầy đủ cho quần chúng nhân dân thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Thứ nhất, tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở tại xã, phường, thị trấn: Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí… Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND trực tiếp thực hiện việc tiếp dân, kịp thời đối thoại với dân khi cần thiết và xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo thẩm quyền. Thứ hai, phát huy vai trò người dân đang công tác tại cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập người dân trực tiếp tham gia góp ý, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ công chức… Thứ ba, tăng cường hơn nữa việc thực hiện dân chủ của người dân là người lao động trong doanh nghiệp, trực tiếp tham gia ý kiến vào nghị quyết hội nghị người lao động, kết quả sản xuất, kinh doanh... Thứ tư, ngoài việc tham gia trực tiếp, nhân dân cũng tham gia gián tiếp thông qua hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp; nhân dân là người lựa chọn, bầu ra các đại biểu tham gia Quốc hội, HĐND các cấp và các cơ quan dân cử.

Việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…) góp phần tạo thành sức mạnh to lớn của nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước, vun đắp một xã hội công bằng, tiến bộ và ngày càng thịnh vượng. Đồng thời, thông qua đó, góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

NGUYỄN TRỌNG NGHĨA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh họp phiên thứ 4
BTO-Sáng 29/3, đồng chí Dương Văn An – Ủy viên BCH Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chủ trì phiên họp thứ 4 của BCĐ để thảo luận về kết quả công tác quý I, nhiệm vụ trọng tâm trong quý II và cho ý kiến vào một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để nhân dân thuận lợi tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực