Với việc đưa hệ thống camera giám sát giao thông đi vào hoạt động, không chỉ lực lượng chức năng mà người dân cũng rất phấn khởi và hy vọng trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Phan Thiết sẽ được lập lại, các vụ việc vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ giảm bớt và ý thức của người tham gia giao thông cũng sẽ được nâng lên nhờ những “mắt thần” đang ngày đêm hoạt động ở các tuyến đường, giao lộ quan trọng.
Tuy nhiên kết quả không như kỳ vọng, thể hiện qua 2 vấn đề. Thứ nhất, trong quý 1/2019, tức là thời điểm các camera đi vào hoạt động, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Phan Thiết vẫn diễn biến phức tạp. Tuy số vụ và số người bị thương có giảm, nhưng tiêu chí quan trọng nhất là số người chết lại tăng cao (tăng 30% so cùng kỳ) và Phan Thiết là địa phương có số người chết do tai nạn giao thông cao nhất tỉnh, với 13 người, chiếm gần 1/4 số người chết toàn tỉnh. Thứ hai, việc xử phạt vi phạm qua hệ thống giám sát camera (phạt nguội) đạt tỷ lệ rất thấp. Theo báo cáo của Phòng CSGT, từ đầu năm đến giữa tháng 4/2019, qua trích xuất từ camera, phòng đã gửi thông báo 3.997 trường hợp vi phạm, nhưng chỉ xử phạt được 217 trường hợp (221 triệu đồng), chiếm tỷ lệ 5,4%. Như vậy có đến 94,6% số vụ việc vi phạm chưa được xử lý và nộp phạt.
Theo lý giải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác phạt nguội là xác định người vi phạm hoặc chủ phương tiện do không tìm thấy địa chỉ của chủ xe (gần 70% bưu điện trả lại giấy báo). Bởi tình trạng mua bán phương tiện giao thông cơ giới, chủ phương tiện chỉ làm thủ tục mua bán mà không làm thủ tục sang tên theo quy định hiện hành vẫn còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, việc chủ xe thay đổi chỗ ở, đi vắng dài ngày, khai không đúng địa chỉ... nên khi người vi phạm nhận được thông báo thì thời gian đã quá lâu, khó xử lý phạt hành chính. Một số khác thì chây ì, dù nhận được giấy báo nhưng không chịu đến nộp phạt.
Để việc “phạt nguội” không bị “nguội”, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và ý thức chấp hành pháp luật của người điểu khiển phương tiện, chủ phương tiện. Trước hết cần tăng cường công tác đăng ký, quản lý phương tiện; khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên, di chuyển xe phải kiểm tra trước đó xe có vi phạm qua hình ảnh hay không rồi mới giải quyết cho chủ phương tiện thực hiện việc đăng ký sang tên, di chuyển xe theo quy định. Yêu cầu các hoạt động giao dịch mua bán ô tô, mô tô, xe máy của người dân cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc sang tên, đổi chủ. Mặt khác, để phát huy hiệu quả của hệ thống camera giám sát, không chỉ là dữ liệu về phương tiện cần được thực hiện một cách nghiêm túc, mà các dữ liệu về dân cư, về địa chỉ nhà ở cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học. Nó không chỉ giúp ích trong việc truy xuất chính xác người điều khiển có hành vi vi phạm, mà quan trọng hơn là việc thu thập các dữ liệu về dòng giao thông, đặc tính dòng giao thông, lưu lượng phương tiện…để phân tích xử lý và qua đó trích xuất thành những thông tin hữu ích cho nhà quản lý, cho người dân.
Việc gửi thông báo qua bưu điện cũng cần xem xét tính hiệu quả của nó. Nên chăng thông qua công an khu vực, chính quyền địa phương, khu phố để chuyển tải thông báo đến người vi phạm, qua đó tăng cường tính giám sát, kiểm tra sự chấp hành của người điểu khiển và chủ phương tiện vi phạm.
Phải khẳng định rằng, với hình thức “phạt nguội”, ngoài giảm mật độ cảnh sát giao thông có mặt trên các tuyến đường, còn cho thấy sự minh bạch, không dễ xảy ra tiêu cực như xin - cho, qua đó có tác dụng nâng cao ý thức đối với chủ phương tiện khi tham gia giao thông. Ở nhiều địa phương đã thực hiện, tại các điểm có ghi hình “phạt nguội”, số vụ việc vi phạm phải xử lý đã giảm rõ rệt. Vì vậy cần nghiên cứu vận dụng phù hợp với tình hình địa phương để phát huy tính ưu việt của hình thức giám sát và xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông giao thông qua camera, để “phạt nguội” không bị “nguội”.
THẾ NAM