Theo dõi trên

Đêm ca nhạc ân tình tháng 4 ở Tánh Linh

04/04/2025, 05:05

Huyện Tánh Linh trước đây là nơi đất rộng người thưa. Sau năm 1975 nhiều bà con từ khắp mọi miền đất nước đến lập nghiệp, đến nay nhiều người trở nên giàu có nhưng vẫn còn hộ nghèo khó. Nhân kỷ niệm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhóm nghệ sĩ thiện nguyện ở huyện tổ chức đêm nhạc Trịnh để tưởng nhớ ông, và kêu gọi những tấm lòng vàng ủng hộ những người đặc biệt khó khăn. Sự kiện hào khí ấy góp phần gióng lên tiếng chuông nhân ái trong giới doanh nghiệp thời hội nhập.

Tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) được nhiều người biết đến bởi những ca từ, âm điệu nội dung bài hát của ông đi vào tâm thức nhiều người một thời in sâu vào ký ức. Ngày ông về với đất, hàng trăm người dân lao động từ những chị em buôn bán, người lái taxi, anh đạp xích lô, người già ngay cả người tàn tật dìu nhau đến tiễn ông về miền miên viễn. Mục đích của họ là muốn nhìn một nhân vật mà mình ái mộ, được chứng kiến lần cuối một ông thầy giáo đa tài. Sở dĩ họ gọi ông là nhạc sĩ tài hoa vì Trịnh Công Sơn xuất thân từ ngành sư phạm không qua trường lớp âm nhạc nào nhưng để lại hậu thế một gia tài đồ sộ với gần 600 bản nhạc đi vào lòng người từ những tầng lớp lao động đến người có học thức.

ba-lam-thuy-dung-c.jpg
Bà Lam Thúy Dung (người đứng) đến thăm hỏi gia đình đồng đội của bố là An ninh khu 6 cũ tại Bảo Lộc.

Nội dung những sáng tác của ông đều mang nội hàm tự sự về tình yêu, nhân sinh và hiện tình đất nước. Nhạc cụ hỗ trợ các lần biểu diễn chỉ cần một cây guitar thùng là đủ, người thể hiện chỉ bằng giọng hát mộc, chân chất cũng có thể đi vào hồn người. Chính vì sự chân thành ở các tiết tấu trầm lắng như thế nên ở những nơi vùng sâu vùng xa, người dân chân đất cũng tổ chức được những đêm nhạc Trịnh được người xem và ủng hộ.

Tháng 4 năm nay, nhân kỷ niệm ngày mất của ông và chào mừng 50 năm đất nước thống nhất. Được sự tài trợ của chủ 1 siêu thị ở Tánh Linh tổ chức đêm nhạc Trịnh để tưởng nhớ ông đồng thời mang thêm nghĩa cử là đêm nhạc ân tình tháng 4 tại xã Gia An. Bà Trần Thị Lam Thúy Dung có chồng là ông Đinh Hùng Dũng là một nghệ nhân saxophone chuyên chơi nhạc Trịnh kiêm nhà tổ chức đạo diễn sự kiện. Ông Dũng là trung tá quân đội đang tại ngũ, con cả của một cán bộ an ninh Khu 6 thời chiến đã mất sau ngày đất nước thống nhất trong gia cảnh thanh bần.

Khi được hỏi về động cơ tài trợ và tổ chức sự kiện đêm nhạc, bà Dung cho biết: “Gia đình cháu là dân Phan Thiết đi kinh tế mới vào Tánh Linh năm 1976. Ngày ấy đời sống bà con cực kỳ khó khăn, sau này nhờ buôn bán cuộc sống dễ thở hơn. Trong công việc hàng ngày gặp khách hàng, nhiều người rất cơ cực chắt chiu mua từng món hàng với đôi mắt lo âu buồn buồn. Dù hoàn cảnh túng thiếu nhưng có em vừa mua hàng vừa hát nhạc Trịnh để tìm kiếm sự lạc quan theo kiểu tiếng hát át tiếng bom thời chiến ngày xưa, dần dần lời ca đi vào tâm thức, cháu bắt đầu yêu nhạc Trịnh từ những chi tiết nhỏ nhặt ấy. Đến khi có chồng, anh Dũng cùng dòng chảy tâm thức là yêu mến nhạc Trịnh, nói như bây giờ người ta gọi là “song kiếm hợp bích” chú ạ! Nhớ mấy năm trước, có một chú em khoảng 30 tuổi vào mua một con gà ướp lạnh rồi ôm mặt khóc, cháu hỏi thăm, được em ấy trả lời trong nước mắt “Ngày xưa Tánh Linh mình nghèo khổ, ba em thỉnh thoảng chép miệng thèm miếng thịt gà nhưng lúc đó không đủ tiền mua, giờ nhà em ở mặt phố có đồng vô đồng ra thì ba em đã mất, nhân ngày giỗ ông, em mua con gà mang về cúng. Nhìn con gà, một thời xa vắng hiện về, nhớ tiếng chép miệng thèm thuồng của ba em nên xúc động thôi”.

v-an-tinh.jpg
Vợ chồng bà Lam Thúy Dung nhà tổ chức sự kiện đêm nhạc ân tình.

Của ít lòng nhiều

Tánh Linh bây giờ mặc dù có nhiều người khá giả nhưng vẫn còn không ít người có cuộc sống ngặt nghèo như ốm đau, người già neo đơn rất cần các nhà hảo tâm giúp đỡ. Thấy những cảnh đời bi thương muốn giúp nhưng khả năng tài chính của gia đình có hạn. Chính vì thế vợ chồng cháu tổ chức tài trợ đêm ca nhạc này vừa để anh em nghệ sĩ thiện nguyện vùng quê gặp nhau, vừa quyên góp của ít lòng nhiều từ các nhà doanh nghiệp nhỏ và vừa để giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như ông bà Nguyễn Long nhà nghèo vừa mổ tim, bà Bùi Thị Loan đơn thân nuôi con tật nguyền, bà Lê Thị Bảy 83 tuổi người già neo đơn... được xã Gia An giới thiệu.” Ông Đinh Hùng Dũng nghệ nhân thổi saxophone có thương hiệu tại Tánh Linh cho biết thêm: “Đêm nhạc Trịnh tháng 4 có 15 tiết mục, thời gian biểu diễn từ 19h đến 21h30, chủ siêu thị đã gởi chương trình và xin phép chính quyền tổ chức. Mọi chi phí siêu thị nhà cháu tài trợ. Riêng tiền quyên góp tại đêm nhạc do nhóm thư ký ghi tên từng tấm lòng vàng, sau đó biếu tặng trực tiếp cho các hộ đặc biệt khó khăn dưới sự giám sát của bà con và chính quyền xã, vợ chồng cháu nhà tài trợ không đụng tới. Vợ chồng cháu đều xuất thân từ gia đình nghèo nên rất cảm thông cho những cảnh đời trôi nổi, một mình gia đình không kham nổi nên phải thông qua cộng đồng chung tay từ những đêm nhạc thiện nguyện như thế này. Đêm nhạc Trịnh hôm nay siêu thị đã mời các mạnh thường quân là các nhà doanh nghiệp địa phương đến thưởng thức, mời 2 MC là Trần Thị Thanh Thắng, Nguyễn Phú Quang là giáo viên cấp 3 của huyện, những người làm MC chuyên nghiệp của huyện và các ca sĩ yêu nhạc Trịnh có thương hiệu địa phương. Gia đình cháu đã tổ chức được vài lần vào lúc nông nhàn sau tết, những lần trước đó chúng cháu tổ chức ưu tiên ủng hộ các học sinh nghèo hiếu học và tham gia tài trợ cho vài trường học như phần thưởng, bàn ghế, quạt điện... nơi chưa được trang bị hoàn tất. Bản thân cháu bố chết sớm, anh em cháu đã trải một tuổi thơ không có bố với cuộc sống bần hàn cô độc vì không có dòng tộc ruột rà ở Tánh Linh nên thấm thía nỗi đau của người xa xứ.” Ông trung tá, nghệ nhân saxophone Đinh Hùng Dũng ôm mặt nhìn về núi Cà Tòn nhớ một thời xa vắng.

Được biết bà chủ nhân siêu thị ở Tánh Linh xuất thân là con dâu của một Đại đội phó 25 An ninh vũ trang bảo vệ Khu 6 cũ đã mất sau cuộc chiến, nên cùng chồng thường xuyên giúp đỡ các cô chú đồng đội của bố ngày xưa, người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Đó là một nghĩa cử cao đẹp của lớp trẻ thời hậu chiến cũng là tiếng chuông nhỏ gióng lên lời kêu gọi các tấm lòng vàng của doanh nghiệp tư nhân chung tay thân ái. Những người có khả năng tài trợ với nghề nghiệp được nhà nước khuyến khích mở rộng phát triển nền kinh tế đa dạng trong thời cải cách hiện nay.

GHI CHÉP CỦA TRẦN ĐẠI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bảo tàng tỉnh: Tiếp nhận hiện vật trong kháng chiến chống Mỹ do một thương binh trao tặng
BTO-Sáng 4/3, Phòng Nghiệp vụ bảo tàng (Bảo tàng tỉnh) đã đón nhận 12 hiện vật trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ do ông Đinh Hữu Túc - Thương binh 4/4, cư trú tại xã Nam Chính, huyện Đức Linh trao tặng.
Nổi bật
Gieo “hạt giống đỏ” từ các trường học
Công tác phát triển Đảng trong học sinh trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có chuyển biến tích cực với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo. Nhiều trường THPT đã chú trọng đào tạo học sinh THPT phát triển một cách toàn diện, từ đó “ươm mầm” những “hạt giống đỏ” bổ sung cho đội ngũ của Đảng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đêm ca nhạc ân tình tháng 4 ở Tánh Linh