Cơ sở hoạt động của anh Nguyễn Văn Ưa tại phường Phú Trinh. |
Nhiều băn khoăn tại các cơ sở thuộc diện di dời
Có thâm niên hoạt động trong nghề kỹ nghệ kim loại hơn 20 năm, anh Nguyễn Văn Ưa (phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) rất phân vân khi nhận được thông báo của địa phương về chủ trương di dời. Trước đây, anh Ưa từng có thời gian dài đặt cơ sở hoạt động tại đường Nguyễn Hội. Sau khi tích góp tiền của, anh Ưa mua được một căn nhà trên đường Hải Thượng Lãn Ông và kết hợp làm sắt, nhôm, kính tại đây. Mới đây, khi có chủ trương của UBND TP. Phan Thiết về việc di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư khiến anh hết sức lo lắng, vì đã bỏ hết vốn để đầu tư tại nhà mình. “Khi nhận thông báo thì gia đình rất băn khoăn, và thấy có điểm bất cập là chẳng hạn như thứ nhất là thời gian không phải một sớm một chiều mà phải cho thời gian có lộ trình nhất định, chẳng hạn như 6 tháng hoặc một năm để tìm vị trí đất, mặt bằng xây dựng nhà xưởng. Thứ hai nữa là hiện giờ chỗ làm của chúng tôi đang ổn định về doanh thu, khách hàng, vị trí, giờ phải bỏ ra một số tiền lớn để tìm vị trí khác thì cần phải có chính sách hỗ trợ thỏa đáng” - anh Nguyễn Văn Ưa cho biết.
Theo thống kê ban đầu, Phan Thiết hiện có 181 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nằm trong khu dân cư cần phải di dời. Trong đó, có 43 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, nhất là tiếng ồn thuộc diện bức xúc phải di dời trước. Để thực hiện công tác di dời, các phường nội thành đã gửi thông báo và lần lượt tiến hành mời họp các cơ sở để thông tin về chủ trương di dời hoạt động các cơ sở này ra khỏi trung tâm thành phố. Tuy nhiên, qua các buổi họp mặt giữa chủ cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với các địa phương, nhiều vướng mắc đã phát sinh, có khả năng ảnh hưởng đến tiến độ di dời. Trong đó, một số cơ sở như: gò, rèn, hàn, xì… cho rằng mình chỉ hoạt động quy mô hộ gia đình, diện tích chỉ chừng 3 - 4m², và gia công những vật dụng lặt vặt. Vì nậy, nếu di dời hoạt động lên Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2 (nơi được tỉnh và TP. Phan Thiết lựa chọn làm địa điểm để di dời) thì sẽ rất khó khăn. “Về chủ trương di dời thì tôi hoàn toàn đồng ý với việc di dời để giữ vệ sinh môi trường, đảm bảo yên lành trong khu dân cư. Nhưng về cách thực hiện thì tôi cho rằng các cơ sở di dời đa phần thuộc diện doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên khả năng kinh tế eo hẹp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mang tính chất hộ gia đình, cho nên về quy mô sản xuất không lớn. Lực lượng lao động, người điều hành quản lý có khi chỉ có 1 - 2 người nên khi di dời sẽ khó khăn. Vì vậy mà tôi đề nghị cần chọn lọc những doanh nghiệp nào mà sản xuất ô nhiễm thật sự thì di dời, còn doanh nghiệp nào mà ít ô nhiễm, không ảnh hưởng nhiều thì nên xem xét để lại” - ông Vũ Đình Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH mỹ thuật Tân Hưng (phường Phú Thủy, Phan Thiết), một trong số các cơ sở thuộc diện di dời, cho biết.
Chủ đầu tư Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2 đang gấp rút thi công hạ tầng. |
Bên cạnh đó, các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nằm trong khu dân cư tại Phan Thiết cũng cho rằng: Thời gian di dời hiện tại có phần gấp gáp, nên cơ sở sẽ dễ bị lúng túng để chuẩn bị nguồn vốn cũng như cơ sở hạ tầng. Đơn cử như tại phường Phú Thủy, qua rà soát, UBND phường đã đưa vào danh sách buộc phải di dời 14 cơ sở đang hoạt động các nghề như: Kỹ nghệ kim loại, cửa kính, ga-ra ô tô, gò, rèn, hàn, xì… Tại buổi gặp mặt, đại diện các cơ sở của phường Phú Thủy cho biết giá thuê mặt bằng tại Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2 chưa hợp lý. Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng, thực hiện di dời cũng cần có chính sách phù hợp.
Vì sự phát triển của đô thị Phan Thiết
Được biết, để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, tỉnh và TP. Phan Thiết đã lựa chọn khu đất rộng 8,15 ha do Công ty TNHH Thép Trung Nguyên làm chủ đầu tư tại Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2. Hiện tại, đơn vị chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ san ủi mặt bằng cũng như chuẩn bị các hạ tầng cơ bản để đón nhận các cơ sơ di dời lên. “Qua việc thực hiện chủ trương di dời thì thời gian thực hiện cũng ngắn, nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phục vụ cho các cơ sơ di dời lên đây. Với diện tích 8,15 ha thì chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp tại Phan Thiết khi lên đây sẽ được lấp đầy và chúng tôi cũng đảm bảo về hạ tầng cơ bản để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của các cơ sở” - ông Trần Thanh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thép Trung Nguyên nói.
Về phía TP. Phan Thiết, để công tác di dời các các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm môi trường được thuận lợi, thành phố đã tổ chức gặp mặt với các chủ cơ sở để tuyên truyền vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các cơ sở. Bên cạnh đó, thành phố cũng đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng về điện, đường, thoát nước, mặt bằng… đảm bảo cho bà con di dời đến vị trí đầy đủ hạ tầng. Thời gian tới, dự kiến Phan Thiết sẽ cùng phối hợp với chủ đầu tư tổ chức cho các cơ sở tham quan vị trí đất trên Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tiến hành vận động thông qua nhiều kênh cho các cơ sở hiểu để cùng đồng thuận chấp hành chủ trương này. “Để thuận lợi cho công tác di dời thì TP. Phan Thiết có đề nghị các đơn vị của tỉnh sớm quan tâm nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ di dời để các cơ sở an tâm. Thứ hai là ban hành tiêu chí xác định mức độ ô nhiễm để tạo đồng thuận cao và để bà con chấp hành tốt” – ông Nguyễn Nam Long - Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết thêm.
Mặc dù quá trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi trung tâm TP. Phan Thiết gặp nhiều khó khăn, nhưng để tạo mỹ quan đô thị cho thành phố và góp phần làm giảm tác động đến môi trường, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân nên các cấp chính quyền đang nỗ lực để thực hiện chủ trương chung này.
Hạnh Khiết