Theo dõi trên

Đi qua những mùa Noel

18/12/2020, 12:10

BT- La Gi vào những ngày cuối năm gió bấc thổi vù vù và trời se se lạnh. Đó là thời tiết của thập niên 60, còn bây giờ thì đã khác nhiều rồi, La Gi mùa này, Noel không còn nhiều gió và lạnh nữa!  Tiếc quá, phải chi La Gi cũng gió và lạnh như những thập niên trước, để những chàng trai cô gái đôi mươi khoác chiếc áo ấm đứng ngoài sân nhà thờ xem lễ Noel, lấp lánh những chiếc đèn ngôi sao.

Từng hồi chuông nhà thờ âm vang lẫn trong tiếng nhạc:  “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời/ Chúa sinh ra đời/ Nằm trong hang đá nơi máng lừa”...

Trong những xóm đạo, nhạc Noel được hát từ đầu tháng 12 và sau giờ khắc thiêng liêng Chúa sinh ra đời là những Réveillon của con chiên ăn mừng, và thấp thoáng đâu đó là những cặp tình nhân còn nán lại trong sân nhà thờ và tay trong tay qua các ngã đường nhà thờ Vinh Tân, Thanh Xuân, Tân Tạo, Tân Lý…

Đến mùa Noel không phải chỉ riêng người Công giáo, mà ngay cả người Phật giáo cũng “ăn có” theo Noel, nghĩa là họ cũng nghe nhạc Noel từ chiếc máy cassette, và cũng tưng bừng chuẩn bị ăn Réveillon, nghĩa là “anh vui tôi cũng vui theo”, và những cặp vợ chồng “đạo ai nấy giữ”, sống chung hòa bình! Đêm Noel, những cô gái áo dài, quần mỹ a ống rộng ngồi sau ôm eo chàng trai quần ống loe, trên chiếc xe Honda SS 67 đầu chải Brillantine láng mượt lượn lờ qua các nhà thờ… có đôi khi cao hứng chạy ra đồi dương Tân Long, để quần áo thấm một chút nước mặn của biển, và tóc tai dính bụi cát biển do những cơn gió bấc thổi vi vu qua những hàng dương.

Bình Tuy ngày ấy (bây giờ là Hàm Tân) là vùng đất của dân tứ xứ, nhiều nhất là dân di cư theo đạo Công giáo, họ sống liên kết theo vùng như Vinh Thanh, Tân Xuân, Tân Tạo, Bình An… và những nơi này có những nhà thờ đồ sộ mọc lên.  Hàm Tân có rừng vàng biển bạc, ưu đãi những con người tha phương, đã đến đây rồi, thì khó mà bỏ đi được, dù cho nơi này là một vùng đất đầy nắng  gió,  nhiều cát, nhưng  rừng và biển lại mang đến nguồn lâm sản, và cá biển, hình như là vô tận!

Hàm Tân, một vùng đất thưa thớt dân thuộc tỉnh Bình Thuận từ những thập niên 40, 50, nhưng với công cuộc di dân lập ấp, mở mang những khu dinh điền, nên từ 1957 Hàm Tân được tách ra, thành lập  tỉnh Bình Tuy.

Ngày ấy, mọi lễ lạc đều tập trung ở La Gi, một thị trấn nhỏ mà ở nơi đó ai cũng quen biết nhau, “đi dăm phút lại về chỗ cũ”, cái thị trấn buồn này có ít ỏi những quán  cà phê nhạc, nếu có nhạc, là những bài hát boléro lãng mạn một thời.

Noel ở bất cứ thời nào cũng không thể thiếu nhạc và những bữa tiệc Réveillon thâu đêm suốt sáng. Nhạc Noel là những liên khúc Happy Christmas, Christmas Time, bài đinh là Silent night mà một linh mục nghèo tên là Mohr đã viết lời cho bài hát này từ năm 1816. Bài hát như một hành khúc mở đầu trong đêm Noel, và sau này được nhạc sĩ Hùng Lân, người nổi tiếng với ca khúc “Khỏe vì nước” viết lời Việt có tựa là “Đêm thánh vô cùng”:  Đêm thánh vô cùng giây phút tưng bừng/Đất trời se chữ Đồng…

Và mỗi mùa Noel, không chỉ riêng người Công giáo, mà ngay cả người Phật giáo vẫn thích nhạc phẩm “Cao cung lên” của Hoài Đức: Cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa/Hòa trong làn gió, nhẹ nhẹ vấn vương/Ôi linh thiêng lắng nghe thoang thoảng cung đàn/Hỡi người dương thế lặng nghe cung đàn/Mong tìm cho thấy thờ kính chúa giáng sinh… để tìm cho mình những giây phút bình an.

Đêm Noel rồi sẽ dần qua, nhưng lời ca tiếng nhạc vẫn còn văng vẳng bên tai: Bài thánh ca đó còn nhớ không em/Noel năm nào chúng mình có nhau/Long lanh sao trời đẹp thêm đôi mắt/Áo trắng em bay như cánh thiên thần/… (Bài thánh ca buồn - Nguyên Vũ).

Tôi đã đi qua nhiều mùa Noel ở La Gi, đêm gió bấc, mang một chút lạnh, thoáng hồi chuông nhà thờ… Dù tôi là người ngoại đạo, nhưng khi Noel về lòng tràn ngập  một thời để yêu và thương nhớ La Gi!

Trần Hữu Ngư



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi qua những mùa Noel