Điện ảnh cách mạng Việt Nam ra đời trong khói lửa chiến tranh. Những thước phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam ra đời trong những năm 1946-1947 gắn liền với đam mê và nhiệt huyết của các nhà quay phim, nhiếp ảnh, điện ảnh.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, bộ phận Điện ảnh, Nhiếp ảnh trực thuộc Nha Thông tin chuyển lên Việt Bắc, đến 1950 được dời về xây dựng cơ sở ổn định tại khu rừng cọ ở Bản Bắc, Định Hóa, Thái Nguyên. Và tại đây, ngày 15/3/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Chính thức thành lập Ngành Điện ảnh Việt Nam.
Cũng chính tại khu rừng cọ Bản Bắc, vào cuối năm 1951, một cuộc hội tụ những người kháng chiến hoạt động điện ảnh ở chiến khu Việt Bắc và Nam bộ, với sự có mặt của những gương mặt tiêu biểu của điện ảnh Viện Nam.
Những người hoạt động điện ảnh qua các thời kỳ có nhiều cống hiến quan trọng cho ngành. Nhiều người trở thành Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo Nhân dân…một số trở thành những nhà lãnh đạo chủ chốt ở các lãnh vực liên quan của ngành.
Phần lớn trong số đó, ít nhiều đều đã từng có mặt trong “Đội quân chiếu bóng” thửa ban đầu.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến ở hai đầu đất nước ta đều có điện ảnh cách mạng. Điện ảnh cách mạng ở Nam Bộ được gọi là điện ảnh Bưng biền, điện ảnh hình thành ở Bản Bắc gọi là điện ảnh Đồi Cọ.
Tại Bình Thuận, trong thời kỳ chiến tranh đặc biệt, ngoài các đoàn văn công, ngành Tuyên huấn còn thành lập các bộ môn nhiếp ảnh, chiếu bóng, quay phim…
Cuối mùa mưa 1972 đầu 1973, Đoàn chiếu bóng thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy sau thời gian chuẩn bị vật tư, kỹ thuật đã có buổi chiếu đầu tiên phục vụ quân dân vùng giải phóng xã Hàm Trí, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, tại đây người xem lần đầu tiên được thưởng thức nghệ thuật điện ảnh Xã hội chủ nghĩa.
Thời gian này, đội ngũ chiếu bóng mỗi lần lên đường phục vụ phải vượt qua sông sâu, núi cao, khuân vác máy móc rất là cực khổ.
Từ 1975, ngành chiếu bóng Hàm Tân (thuộc Công ty Chiếu bóng Bình Thuận) nay là La Gi- Hàm Tân được thành lập. Gồm 1 rạp chiếu phim và 2 đội chiếu bóng lưu động số 3 và số 14.
Phát huy thành quả của các bậc tiền bối đã để lại, toàn ngành đã phấn đấu không quản ngại gian khổ đem phim ảnh xã hội chủ nghĩa đến với quân dân từ đồng bằng đến vùng sâu vùng xa heo hút.
Nhân kỹ niệm 70 năm ngày thành lập Điện ảnh cách mạng Việt Nam, để ôn lại truyền thống và những kỹ niệm trong thời gian dài phục vụ trong ngành, ngày 11/3 Ban liên lạc điện ảnh La Gi – Hàm Tân đã tổ chức họp mặt anh chị em từng phục vụ trong ngành từ 1975 đến 2023.
Những cảm xúc, niềm vui vỡ òa khi gặp nhau của những người từng là đồng chí, đồng đội mang vác máy móc vượt đường xa, núi đồi, ăn sương nằm gió phục vụ nhân dân được dịp tuôn trào…