Theo dõi trên

Gặp bạn - nhớ quê

10/03/2023, 05:52

Tôi xa Bình Thuận khi vừa tròn hai mươi tuổi, cái tuổi đủ trưởng thành để nghĩ về một cuộc sống tương lai của mình ở phía trước. Lúc bấy giờ lòng luôn náo nức với những điều mới mẻ ở thành phố Đà Lạt ngàn hoa. Những năm chín mươi của thế kỷ trước, tôi vừa đến giảng đường, vừa đi làm để xoay xở cho cuộc sống của một chàng sinh viên văn khoa vừa rời tay cuốc, thật là vất vả.

Vậy mà mới đó đã ngót hơn 30 năm xa quê; cứ tưởng cuộc sống bộn bề giữa thành phố mộng mơ sẽ xóa nhòa đi ký ức về một vùng quê nhỏ nhoi nghèo khổ, nắng bụi, mưa bùn; người dân quanh năm bám ruộng, bám rẫy mà cũng chỉ đủ mặc, đủ ăn. Nhưng tôi đã nhầm, là càng đi xa, làng quê Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam càng đau đáu trong tôi, lòng tôi luôn khắc khoải nhớ về và đặc biệt là những đêm hè khó ngủ hoặc những lúc gặp người Bình Thuận đi du lịch đến thành phố Đà Lạt là lòng tôi hoài mong muốn sớm trở về thăm quê.

gap-ban.jpg
Ảnh minh họa.

Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông anh em; lớn lên khi đất nước vừa thống nhất hai miền Nam – Bắc. Nơi tôi sinh sống còn nhọc nhằn, khốn khó như những vùng quê khác của chiều dài Tổ quốc. Khi lên chín, lên mười tuổi tôi đã biết một mình chăn bò, nấu cơm, canh chòi rẫy và làm một số việc khác trong những lúc nghỉ học để phụ giúp cha, mẹ nuôi đàn em. Tuổi thơ tôi buồn nhiều hơn vui, có hôm một mình nơi đồng vắng, quạnh hiu sợ cả tiếng nhái kêu chiều, mà ba mẹ thì đi làm về tới nhà đã tám, chín giờ đêm. Nhưng bù lại là tôi học rất giỏi và nhanh nhẹn, nên thường được nhà trường chọn đi thi các giải của xã, của huyện và tham gia nhiều hoạt động của lớp, của trường. Đến hè thì hầu như những đứa trẻ cùng trang lứa như tôi phải ở cùng ba, mẹ mà giúp đỡ gia đình; không có cơ hội bạn bè cùng lớp gặp mặt nhau nếu ruộng, rẫy hai nhà không gần nhau. Nhưng lũ học trò chúng tôi cũng góp phần phủ xanh các đồi đất trống bằng những buổi lao động “Trồng cây gây rừng”. Vài năm sau những rừng cây bạch đàn, rừng keo lá tràm đã phủ xanh các đồi trọc. Tôi nhớ và trân trọng những khoảnh khắc được đạp xe đi học cùng bạn bè trên con đường bờ ruộng chỉ vừa đủ bánh xe, lâu lâu bị lọt xuống bờ mương ướt cả cặp sách; đến trường quần áo ướt mèm phải nhờ cô giúp đỡ. Vậy mà người dân quê tôi vẫn cứ lầm lũi sống, lầm lũi với ruộng đồng; để đến hôm nay, vùng quê có một màu xanh bạt ngàn, ánh điện chong thanh long về đêm sáng rực rỡ. Cứ mỗi lần về thăm quê, tôi lại thấy quê hương mình thay da đổi thịt; có nhiều ngôi nhà sạch đẹp mọc lên; đường làng được bê tông hóa rộng rãi, xe ô tô có thể chạy tới cửa nhà. Đi giữa quê mà lòng tôi cứ bùi ngùi nhớ lại những tháng năm vất vả ở thời bao cấp. Thời mà lứa tuổi chúng tôi cơm không đủ ăn, phải độn bắp, độn khoai.

Khác với khách du lịch khi đến Bình Thuận là đi tắm biển, đi thăm những địa điểm nổi tiếng như Khu di tích Dục Thanh, nơi tuổi trẻ Bác Hồ đã dừng chân dạy học trong quãng đời bôn ba tìm đường cứu nước; viếng thăm Phật nằm chùa Núi Tà Cú và một vài điểm du lịch như Kê Gà, suối nước nóng Bưng Thị, đến Bàu Trắng, Mũi Né… toàn là những nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh nhà. Tôi thì khi về thăm quê thích quẩn quanh nơi vườn, ao tĩnh mịch an lành trong xóm vắng bình yên. Nơi đây tôi sẽ được hít thở không khí trong lành. Trưa nắng thì trên chiếc võng đu đưa nhắm nghiền mắt để hồn mình trở về tuổi thơ một thời thiếu thốn mà trong trẻo, yên lành. Nếu không cố gắng học hành, chắc bây giờ tôi cũng chỉ quanh quẩn suốt cuộc đời đến khi mất đi vẫn chưa được hưởng một ngày bình an, thư thái mà chỉ biết quần quật trên cánh đồng làng quanh năm với ruộng vườn, cây trái.

gap-ban-1.jpg
Ảnh minh họa.

Thời gian ở lại quê không được lâu, nên tôi hứa với lòng mình: lần tới về Bình Thuận, tôi sẽ đến thăm một vài nơi mà tuổi thơ tôi đã từng gắn bó; trong đó nhất thiết tôi sẽ ghé thăm chùa Kim Sa để nhớ về những ngày còn học đại học. Khi hè về, chiều chiều tôi thường đến nơi đây để dạy kèm cho một cô sư nữ ôn thi cuối cấp ba. Nghe nói bây giờ cô đã có bằng tiến sĩ và đang là người trụ trì ngôi chùa này. Xung quanh chùa, đất rộng mênh mông cây trái xanh tốt quanh năm là nhờ ân - đức của thầy trụ trì mà phật tử trong làng ai cũng muốn góp công, góp của, góp sức cho ngôi chùa ngày càng phát triển để được có tiếng chuông ngân vang mỗi sáng sớm và chiều tàn. Hồn quê, sự bình an trong lành của khí trời Bình Thuận không chỉ níu lòng du khách thập phương mà cứ vương vấn mãi trong tâm hồn những người con xa xứ như tôi, để mỗi khi rãnh rỗi là cứ muốn trở về để cho lòng bình yên; để thấy cha mẹ, anh chị em và người dân quê mình vẫn bền bỉ như thuở nào, vượt qua mọi thử thách, khó khăn khi giá cả vật nuôi và cây trồng bấp bênh theo năm tháng. Về lại quê hương để thấy sự kiên trì của người dân vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, xây dựng một làng quê nông thôn mới hiện đại, nhà nhà no ấm và luôn rộn vang tiếng cười mỗi bữa cơm chiều bên gia đình. Trở về quê để thấy tâm hồn mình hôm nay biết kiên trì vượt khó là nhờ một thời nghèo khổ nơi làng quê, sống chịu thương, chịu khó, thắm đượm ân tình như con người, cảnh vật của nơi chốn bình yên.

Một mùa hè nữa sắp về. Cơm canh mộc mạc nơi làng quê, xin chờ tôi với.

ĐỖ VĂN CƯỜNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đất Bình Thuận xưa - nơi hội tụ lòng người
Những tên làng, xã nghe quen thuộc thân thương như Bình An, Phú Hội, Xuân An, Xuân Hội, Hòa Thuận, Hưng Long, Bình Hưng… đa phần là những tên làng, xã nơi cố hương. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết trong bài thơ Đất nước: “Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân. Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái”.
Nổi bật
Phát huy dân chủ ở cơ sở, khẳng định vai trò trung tâm của người dân
Dân chủ ở cơ sở không chỉ là nền tảng của một xã hội công bằng, minh bạch, mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững. Tại Bình Thuận, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, khẳng định vai trò trung tâm của người dân trong việc xây dựng chính quyền gần dân, hiểu dân và vì dân...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gặp bạn - nhớ quê