Theo dõi trên

Điều chỉnh quy hoạch titan để phát triển các lĩnh vực tiềm năng

15/03/2018, 08:42

BT- Thượng tuần tháng 3, UBND tỉnh đã họp thông qua đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan đến năm 2020, xét đến năm 2030 (gọi tắt quy hoạch titan). Tỉnh kiến nghị quy hoạch nêu rõ giải pháp về công nghệ khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng nguồn nước mặt, bảo vệ môi trường để thực hiện khả thi, hiệu quả...

                
Khai thác titan ảnh hưởng đến môi trường.

Phát biểu tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai nêu rõ, trong hoàn chỉnh báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 3 này, Bình Thuận kiến nghị giảm từ 26 khu vực quy hoạch titan tổng diện tích 19.527 ha trước đây xuống còn 13 khu vực, với diện tích 7.730 ha. Theo đó, đề xuất điều chỉnh từ 8 mỏ chưa cấp phép thăm dò khoáng sản với diện tích 7.344 ha, tài nguyên dự báo khoảng 45 triệu tấn thành 1 khu vực chưa cấp phép thăm dò khai thác với diện tích 1.000 ha khu vực Lương Sơn III, ở đây không chồng lấn dự án. Phần diện tích còn lại đề nghị cho phép đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời, nông nghiệp công nghệ cao theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai.

Đối với 10 mỏ đã cấp giấy phép thăm dò diện tích 9.641 ha, trữ lượng hơn 80 triệu tấn, trong đó đến nay có 5 giấy phép đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia phê duyệt trữ lượng khoáng sản 3,7 triệu tấn thành 6 mỏ đã cấp giấy phép thăm dò diện tích 4.593 ha, trữ lượng khoảng 38,6 triệu tấn. Trong 6 khu vực này có chồng lấn 5 dự án với diện tích 278 ha, gồm 4 dự án điện gió 214 ha (chấp thuận khảo sát) và 1 dự án trồng rừng 64 ha đều của Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng Khoáng sản Bình Thuận vừa trồng rừng vừa thăm dò titan… Đối với 8 mỏ đã cấp giấy phép khai thác diện tích 2.542 ha, tổng trữ lượng 7,1 triệu tấn, trong đó: 1 giấy phép đã hết hạn, 3 giấy phép chưa đầu tư xây dựng cơ bản mỏ, 4 giấy phép có triển khai nhưng hiện đang tạm dừng khai thác để hoàn tất các thủ tục theo quy định thành 6 mỏ đã cấp giấy phép khai thác với diện tích 2.137 ha, tổng trữ lượng khoảng 5,4 triệu tấn.

Trong 6 khu vực này có chồng lấn 8 dự án diện tích 542 ha (gồm: 6 du lịch, biệt thự, sân golf 355 ha, 2 trồng rừng 187 ha). Riêng khu vực mỏ Mũi Đá 1, phường Phú Hài, Phan Thiết rộng 224 ha, trữ lượng 1,5 triệu tấn của Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Cát Tường đã cấp giấy phép khai thác, đề nghị hai Bộ (Công Thương, Tài nguyên & Môi trường) rà soát, đánh giá kỹ các vấn đề liên quan về pháp lý, thực tế địa phương; vì đây là khu vực khan hiếm nguồn nước mặt, chỉ đủ phục vụ sinh hoạt, dịch vụ du lịch, đề nghị chuyển dự án trên sang khu vực mỏ Bắc Bình cho phù hợp.

Với khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng cho Bình Thuận chấp thuận các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), nông nghiệp công nghệ cao, dự án du lịch, dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đơn giản, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong khu vực này, chủ đầu tư không được khai thác khoáng sản titan bên dưới, có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản dự trữ trong thời gian cấp phép hoạt động… Theo Chủ tịch tỉnh, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch titan nhằm đảm bảo việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác titan trong thời gian tới phù hợp với điều kiện thực tế và nguyện vọng của nhân dân địa phương; giảm sự chồng lấn giữa quy hoạch, dự án titan với các dự án kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời); giảm tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan, nguồn nước, đời sống của người dân... do khai thác mỏ titan.

Cũng tại buổi họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trong báo cáo UBND tỉnh gửi Chính phủ, đề nghị làm rõ trữ lượng và tài nguyên titan Bình Thuận có hướng khai thác phù hợp; các bộ, ngành rà soát tổng quy mô trữ lượng, công suất khai thác của các mỏ đã cấp phép thăm dò, khai thác gắn sử dụng nguồn nước mặt, hiện trạng đầu tư nhà máy chế biến sâu để quy hoạch phân kỳ cấp phép thăm dò, khai thác hợp lý, đảm bảo nguyên tắc khai thác hết thân quặng sâu dưới lòng đất gắn với chế biến sâu.

    
    “Bình   Thuận là địa phương có lượng nước mặt, nước ngầm rất khan hiếm, quy   hoạch cần nêu rõ các giải pháp đầu tư công trình, cung cấp nước mặt khai   thác quặng titan; nếu không có đủ nguồn nước mặt thì không đưa vào quy   hoạch titan”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai kiến nghị.

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều chỉnh quy hoạch titan để phát triển các lĩnh vực tiềm năng