Theo dõi trên

Điều tiết nước mùa khô đảm bảo sản xuất, dân sinh

09/05/2023, 05:40

Huyện Hàm Thuận Nam chủ động các phương án điều tiết nước hợp lý nguồn nước của các ao, hồ, đập thủy lợi phục vụ cho kế hoạch sản xuất đông xuân (2022 – 2023). Đồng thời, giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất cho sản xuất, những tác động ảnh hưởng bất lợi đến đời sống của nhân dân do tình trạng thiếu nước.

Nắng nóng xu hướng vẫn đang tiếp diễn trên diện rộng, hiện dung tích hữu ích của các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện là 18,755 triệu m3. Trong đó, hồ Sông Móng 12,81 triệu m3, Ba Bàu 2,55 triệu m3, Đu Đủ 2,51 triệu m3, Tân Lập 0,7 triệu m3, Tà Mon 0,1 triệu m3. Để chủ động phòng chống hạn, huyện Hàm Thuận Nam sẽ ưu tiên cân đối cấp đủ nước vào mục đích sinh hoạt đến ngày 30/6/2023, sau đó cân đối điều tiết phục vụ sản xuất và nước uống cho đàn gia súc trong mùa khô. Đối với những vùng không cân đối được nguồn nước cho sản xuất vụ đông xuân 2022 – 2023. Kịp thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc ngưng chong đèn thanh long để giảm thiểu thiệt hại. Phân bố vùng tưới tập trung, tránh tràn lan dễ điều phối, tiết kiệm nước, giảm thiểu lãng phí do thất thoát nước vì vùng tưới xa nguồn nước hoặc không theo kế hoạch. Đồng thời, thực hiện các phương án khả thi giải quyết nước sinh hoạt cho từng khu dân cư, nước uống cho đàn gia súc, không để xảy ra tình trạng nhân dân thiếu nước sinh hoạt, bảo vệ tốt các nguồn nước, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan cho người, gia súc qua nguồn nước bị ô nhiễm.

Người dân chủ động sử dụng nước tưới hợp lý cho cây trồng phòng, chống hạn

Theo kế hoạch của UBND huyện, về cấp nước sinh hoạt cho dân, hồ Tân Lập cung cấp nước sinh hoạt cho 5.240 hộ dân thuộc các xã Hàm Cường, Hàm Minh, Tân Thuận, Tân Lập và thị trấn Thuận Nam. Lượng nước tích còn lại trong hồ sau ngày 20/6/2023 khoảng 0,6 triệu m3 dùng vào mục đích cấp nước sinh hoạt. Hồ Ba Bàu đảm bảo lượng nước để cấp nước sinh hoạt cho Nhà máy nước Ba Bàu và Nhà máy nước Hàm Thạnh cấp nước sinh hoạt cho các xã Hàm Thạnh, Mương Mán, Hàm Mỹ và Hàm Kiệm. Địa phương tổ chức quản lý và khai thác tốt các nguồn cung cấp nước sinh hoạt hiện có trong nhân dân như giếng khoan, giếng đào… Đối với các khu vực nguồn nước giếng bị cạn kiệt đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt, UBND các xã, thị trấn tổ chức phát động nhân dân nạo vét, tu sửa các giếng hiện có đồng thời đào các giếng tạm ở các sông suối đã cạn nước; bảo vệ những khúc sông sâu còn đọng nước để khai thác sử dụng, tránh bị ô nhiễm, vận động nhân dân đóng góp tổ chức khoan giếng tập thể để có nguồn nước hợp vệ sinh sử dụng. Ở một số xã hay xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào đỉnh điểm mùa khô như: Tân Lập, Hàm Cần, Mỹ Thạnh… UBND các xã xây dựng phương án hỗ trợ cấp nước cho người dân.

Về nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để điều tiết, sử dụng nước hợp lý, phù hợp với khả năng nguồn nước để bố trí sản xuất. Trong đó, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao như: thanh long và cây lúa được bố trí trong kế hoạch.

Căn cứ vào lượng tích nước thực tế của các công trình thủy lợi, sau khi tính toán cân đối kế hoạch cấp nước tưới sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023. Hiện một số hệ thống công trình sông Phan, công trình nước nhỉ như: Đập Đồng Đế, đập Dốc Mới, đập Sông Linh, đập Hàm Cần, đập Khe Bà Màng, đập Suối Ké, đập Ba Khai đã hết nước tưới… Còn đối với các công trình nước tưới tại các xã, thị trấn như: hồ chứa nước Sông Móng, Tà Mon, Đu Đủ sau khi tổ chức các phiên tưới sẽ thực hiện tiếp nước sẽ tích trữ nguồn nước để tiếp về hồ Tân Lập nhằm đảm bảo cấp nước cho Nhà máy nước Thuận Nam.

Cùng với việc điều tiết nước hợp lý, người dân cần sử dụng nước tiết kiệm, chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán.

C.TƯỜNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Nam phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp
Từ một vùng đất khô hạn, nhưng nhờ được tập trung đầu tư xây dựng mới và mở rộng nâng cấp nhiều công trình thủy lợi, nên Hàm Thuận Nam đã từng bước khắc phục được tình trạng khô hạn, thiếu nước. Đến nay, địa phương đang phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nhất là hình thành các vùng chuyên canh đối với cây thanh long, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích và hiệu quả sử dụng đất.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều tiết nước mùa khô đảm bảo sản xuất, dân sinh